Trang

Thứ Năm, 28 tháng 4, 2011

CẬU TÔI




Ông Trần Văn L. sinh năm 1936, tuổi Tý, ở Long Điền, Long Đất, Bà Rịa. Thuở nhỏ, ông học trường Pétrus Ký và đã từng tham gia vào cuộc biểu tình  khi  Trò Ơn hy sinh. Tên ông nằm trong danh sách bị mật thám theo dõi nên có một giai đọan, gia đình phải gửi ông sang Pháp chờ đến khi tình hình trong nuớc yên ắng trở lại.


Lớn lên, ông yêu rồi lập gia đình với  một người phụ nữ mang lại cho ông tám đứa con, nhưng sau đó có một đứa qua đời trong một trận hỏa họan. Trước ngày 30-4-1975, ông làm ở Cục Thuế, thu nhập khá dư dả. Vợ ông, ngòai sinh con, đầu tư rất nhiều thời gian bên chiếu bạc nên ông  chán. Ông có tình nhân. Những ngày náo động cận 30-4-1975, ông cùng bảy  con nhỏ và cô tình nhân cùng hai đứa con riêng của cô này bay khỏi Sài Gòn. Người đời đồn đãi nhau rằng trong lúc tình thế nước sôi lửa bỏng, vợ ông vẫn bình chân bên chiếu bạc Còn vợ ông thì khóc lóc thảm thiết , rằng bà đã bị người khác "cài bẫy" để phải một mình ở lại VN. Sao thì sao, ông đã bay ra nước ngòai cùng bảy đứa con. Duy có điều, ông không biết, vợ ông ở lại VN ngày ấy cùng một cái thai 2 tháng tuổi. Khỏang bảy tháng sau, đứa bé gái ra đời, bên cạnh mẹ nó chỉ có một người thân là mẹ tôi. Mẹ tôi đặt tên cho đứa em họ của tôi tên "Mỹ Liên"  với mong muốn "sau này sẽ liên lạc lại được với ngừoi bên Mỹ". Khi ấy, tôi còn nhỏ lắm, nhưng tôi vẫn nhớ, sau Giải Phóng có hai năm dài, người trong nước hòan tòan biệt giao với thế giới bên ngòai. Mãi đến năm 1977, người đi kẻ ở mới bắt đầu có thể  liên lạc với nhau bằng những lá thư tay.

Năm 1998, ông L khi ấy 62 tuổi, lần đầu trở lại quê hương. Nguời vợ thứ hai của ông, chính là "cô tình nhân" năm nào, đã qua đời vì bệnh ung thư. Xa quê hương 23 năm,  nay trở lại, tóc ông đã xám bạc hết cả. Sau một thời gian  của những run rẩy, nao nao ngày đầu trở lại, ông L  nhớ lại thời trai trẻ của mình ở VN với bao nhiệt tình, đam mê vừa sống dậy. Ông kết một người phụ nữ mới, và tự mình điều khiển xe hai bánh chở người sau này sẽ trở thành vợ thứ ba của ông lả lướt trên phố phuờng. Nước Mỹ rất sung túc, phong phú, nhưng ở VN, ông L. có những kỹ niệm của nửa quảng đời đầu không thể nào tìm thấy ở đâu. Nhìn ông lao ra đuờng trên chiếc xe gắn máy, cô cháu gái là tôi bậm môi phóng theo cũng khó bắt kịp. Ông lái xe một cách vui sướng. Ông cũng thuờng ngồi hàng giờ ở nhà hàng café Rex Hòang Cung ngay góc đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ , thảnh thơi nhìn người qua kẻ lại . Nhìn người đàn ông lão niên dáng dấp quý phái, khó ai tin có lúc, ông đã chấp nhận  đủ mọi nghề để một mình nuôi cả bầy con nơi xứ lạ, kể cả đóng chuồng bò .

Cuộc hôn nhân với người vợ thứ ba có nhiều vị  chát chẳng khác những lần đã qua. Nhưng dẫu sao, từ 1998, hầu như năm nào ông L cũng trở lại VN để hưởng thụ tuổi già. Ông làm giấy bảo lãnh sang Mỹ cho đứa con thứ tám. Khỏang thời gian ông lưu trú ở VN mỗi lúc mỗi tăng. Cuối cùng thì thành lệ, mỗi năm cứ vào khỏang tháng 6, có khi sớm có khi trễ hơn, ông lại về VN. Trễ  nhất là vào khỏang tháng 9. Ở VN, ông đi tập dưỡng sinh ở Viện Y học dân tộc, đi bộ trong công viên Tao Đàn, có lúc lại còn đi tập Thái cực Khí công, nếu không thì đi dạo Nhà sách ở Trung tâm Sài Gòn. Có lần ông gãy tay vì trượt té khi đánh tennis. Kể từ ngày đó, ông không tự mình điều khiển giao thông được nữa mà đi đâu cũng phải có "tài xế'. Vậy mà vài năm sau, mỗi sáng, ông đánh banh trở lại trong thời gian 15 phút, làm cháu gái ông phải ngưỡng mộ lẫn thấp thỏm . Thôi kệ, quan trọng nhất là ông vui. Ông tận hưởng "những tháng vàng VN" cho đến khỏang sau Tết Tây rồi quay lại Mỹ. Ông hay nói, năm nào ông cũng mong tới lúc về chơi ở VN  vì chỉ có ở VN, ông mới " hết nhức đầu vì những điều vụn vặt trong cuộc sống gia đình ở Mỹ".

Bốn tháng sau lần về chơi VN gần nhất, một buổi chiều mấy đứa cháu ngọai  gọi điện cho bố mẹ chúng thắc mắc sao  tan học lâu rồi mà  vẫn chưa đuợc ông ngọai tới đón. Mẹ của hai trong số những đứa ấy tức tốc từ chỗ làm lái xe 1,5 tiếng đồng hồ để  trở về nhà. Về đến nơi, cô thấy ông L có vẻ như đang  ngủ quên dưới đất, trên bàn , ly cà phê nguội ngắt nguội ngơ. Khi xe cứu thương tới nhà, nhân viên y tế xác định, ông L đã lăn ra đất vì tai biến mười tiếng đồng hồ trước khi đuợc cứu chữa.

Ở tuổi 75, ông L đã đuợc miễn trừ  điều khiển giao thông từ lâu trong những lúc sống tại VN. Bây giờ, ông nằm trong bệnh viện Cali với tình trạng bán thân bất tọai. Có hôm, nhân viên bệnh viện phát hiện ông lê ra mép giường và quăng mình xuống đất. Giọng thều thào, ông L, cậu tôi, nói , ông muốn "về nhà".