Trang

Thứ Năm, 10 tháng 11, 2011

HÔN NHÂN KIỂU GÌ MỚI BỀN?

Trong một lần ngồi quanh bàn cà phê cùng một nhóm chị em gái blogger, tôi khá bất ngờ vì ý kiến  hầu hết mọi người về quan hệ hôn nhân đều mang màu sắc ảm đạm. Tất cả đều cho  không có cái gọi là "tình yêu  tới đầu bạc răng long "giữa những đôi lứa đã thành hôn với nhau. Không có vui bên nhau nào có thể kéo dài. Tình yêu chỉ đẹp thưở ban đầu. Sau nhiều năm chung sống, điều ràng buộc vợ và chồng chỉ còn là nghĩa vụ đối với con cái. Các chị nói với vẻ ê chề, ảo não. Kể cả một bạn chưa lập gia đình với ai dầu từng, hoặc đang yêu, cũng không còn tí niềm tin nào với cái gọi là tuổi thọ của tình yêu. Dù hơi bất ngờ, tôi không cho đó là những bộc lộ cạn cợt . Những nguời trong nhóm đều từ tuổi hơn 40 trở lên, sắc sảo, thâm thúy, có học vị, chỗ đứng trong xã hội và bài viết trên báo.


"Tình yêu có theo mãi cùng hôn nhân không?" là  vấn đề tôi nghe lập đi lập lại , từ tuổi bắt đầu biết mơ màng tâm sự cùng cô bạn hàng xóm. Cho đến lớn lên đi làm, thỉnh thỏang tôi lại nghe chị em quanh mình đề cập  . Đó là dạng câu hỏi nêu lên cho có, chứ chị em quanh tôi đã sẵn phần thân bài và  kết luận chỉ nhằm chứng minh cho  lời đáp là "Không", thậm chí "Không bao giờ! ". Có nhiều giải thích : -những chuyện lặt vặt tủn mủn hàng ngày sẽ làm trôi mất lớp phấn vàng lãng mạn ngày nào  phủ mờ mắt nhau. - Khi sống cùng nhau, mặt nạ đẹp đẽ không còn được giương lên, người ta phơi bày mặt thật , thuờng là chẳng đuợc hòan hảo, của mình ra .- chưa kể, có ai đó trong hai người, hoặc là cả hai, ngọai tình, lưu nếp hằn nghi kỵ trong tâm khảm nguời còn lại,  vân vân và vân vân. Hiếm có đôi nào có thể cuời vui với nhau như thần tiên trong tất cả quãng đời của mình. Thế cho nên, nhìn vào những bức ảnh kèm theo các bài báo ca ngợi những tình già thắm thíết đăng trên báo Phụ nữ thì chớ có tin. Phóng viên Phụ nữ sẽ biện hộ rằng "vì tình sống mãi tới già hiếm vậy nên mới đăng báo để ca ngợi". Thực tế là, thậm chí không có cả một đôi nào yêu nhau tuơi nguyên bền bĩ; các nhân vật trong bài chẳng qua đã giấu lại những câu chuyện mà họ không muốn người đời biết, vì một lẻ rất xưa là có ai giở áo cho nguời xem lưng ?


 Căng thật. Thế mà tôi cũng từng nghe lập luận của một người thanh cao, trong sáng tới mức bị đôi người cho là "ngu ngơ". Người ấy đoan quyết "nếu hai người đến với nhau vô vụ lợi, tình yêu ấy sẽ truờng tồn.  Còn nếu họ tính tóan, cân đo lợi ích  vật chất truớc khi tiến tới hôn nhân, tình yêu vốn dĩ chưa từng có nên mối quan hệ ấy mới dễ tan vỡ". Lúc người ấy nói vậy, bao kẻ đã cười nhạt rất khẽ. Một người nói :"Còn tôi, tôi nghĩ, nếu cả hai đến với nhau vì sự kết hợp ấy thỏa mãn được lợi ích của cả hai bên, quan hệ hôn nhân ấy mới vững bền. Tôi nói đó là QUAN HỆ HÔN NHÂN nhé. Còn tình yêu có bền không thì xin lỗi, tôi chưa thấy cặp nào chỉ có tình yêu đơn thuần nào với nhau mà không tính đến lợi ích."




Ví dụ, thời nay có cô công chúa Tiên Dung nào yêu một anh Chữ Đồng Tử nghèo mạt rệp  ? Nếu thích nghe sáo, cô sẽ chỉ bỏ tiền mua tiếng sáo. Thời nay, thuờng là phụ nữ nhắm đến túi tiền rất cụ thể, hoặc địa vị rất rõ ràng mà nguời đàn ông nằm trong mục tiêu của cô ắt sẽ mang lại. Còn đàn ông, ngòai miệng có thể tự xưng mình cao thượng vì không thèm màng tới cô nàng có bao nhiêu của nả, nhưng trong lòng cũng đầy "kỳ vọng" vào những gì người phụ nữ có thể làm cho họ . Chẳng hạn như mong cô nàng sẽ chăm sóc tốt cho anh em của mình. Nếu không thì nàng phải đẹp rực rỡ hay dịu dàng cùng tận để mình đuợc thể mà khoe ra đôi chút. Đó có nghĩa người ta không lấy nhau chỉ với mỗi lý do muốn làm cho cuộc đời của người còn lại thêm tươi đẹp mà chỉ lấy với mong muốn người nọ làm cho cuộc đời mình tốt hơn lên. Cho dù chỉ với mong muốn "cô nàng thật vui tính. Lấy nàng, đời mình sẽ vui lên" cũng đã mang hơi hướng của một sự "vì mình".


Thế cho nên, nếu cả hai bên đều mong muốn lợi ích từ phía kia và cuối cùng đều đuợc thỏa mãn thì huề, hôn nhân ấy sẽ vững bền, không khí trong nhà lúc nào cũng vui vẻ. Đó là mô hình hôn nhân lý tưởng nhất. Tôi nghĩ, chắc vì lý do này mà Đức Phật dạy lìa xa ái dục vì nó dẫn tới vị kỷ.


Nhưng cuộc sống thế tục vốn vậy. Liên minh vợ chồng giống quan hệ giữa hai đồng minh - cả hai bên đều phải tìm thấy lợi ích từ nhau mới có thể hình thành liên minh. Thậm chí, còn phải rạch ròi hơn : phải nhìn nhận  những lợi ích phía kia đã mang lại cho mình và thỏa mãn ngược lại. Rồi đâu phải chỉ vậy. Giữa hai nước đồng minh còn rất cần những màn ngọai giao, những cuộc đối đãi khéo léo với nhau.


Dễ sợ. Tôi tán chuyện tới đây còn phải tự mình thấy dễ sợ. Cho nên tôi vẫn chuộng lập luận của vị bạn thanh cao nọ " Tôi thích mọi sự đều phải xuất phát từ tình cảm". Nhưng tình cảm  cũng cần  tìm cách đong đầy. Mà lỡ lúc nào đó chỉ còn một bên lo việc khó nhọc này, tất nhiên người ấy sẽ phải khó nhọc gấp đôi.


Kiểu gì cũng nhọc.