Trang

Thứ Bảy, 28 tháng 8, 2010

Nước Pháp - Back to the Past - Retour au Passé

Cuối năm 2004, tôi gặp may khi nhận được học bổng của Đại sứ quán Pháp đi tu nghiệp về journalisme ba tháng ở Pháp. Tôi đã đi từ ngày 15-10-2004 và về nước vào ngày 22-1-2005. Hồi mới tới Pháp, tôi ở Lille, tỉnh Đông Bắc giáp giới nước Bỉ. Sau đó, tôi đi Rennes,nơi đặt tổng hành dinh của tòa sọan Ouest - France, tòa sọan có số phát hành báo cao nhất nuớc Pháp. Cuối cùng, tôi đến Chateaubriant, thị trấn nhỏ nằm cách Rennes một giờ đồng hồ xe hơi, để thực tập trong văn phòng đại diện của Ouest - France ở đó. Từ 24-12-2004, tôi xin nghỉ phép để lên Paris tụ tập với một số bạn tu nghiệp sinh, sinh viên VN. Chúng tôi đã có những ngày rất vui bên nhau. Ngòai ra, tôi cũng đã có hai lần băng từ Lille đến nuớc Bỉ trong vai trò du khách.

Từ khi trở lại VN đến giờ, trừ vài ba bài báo khai thác chuyến đi này, tôi chưa bao giờ lưu lại hình ảnh của mình ở Pháp hay Bỉ. Bây giờ nhận thấy ký ức của mình đang phai mờ dần dần, hình ảnh đã chụp cũng rơi rụng bớt ở đâu không biết, tôi quyết định kể lại chuyện cũ để lỡ sau này có già nua, đảng trí rồi cũng còn có cái để ôn. Mà chuyến đi đó  quả rất quí giá đối với tôi, vì sao lại không ghi ra đây ?

Tôi sẽ đăng tãi hình theo trình tự tương đối của thời gian.

Ảnh trên là một ga xếp nằm giữa Bruxelles (Bỉ) và Lille (Pháp). Từ Bỉ trở về Lille cho kịp ngày học vào hôm sau, tôi phải đổi tàu mấy bận, có khi đi TGV, có lúc phải sang tàu thường. Ga xếp này là nơi tôi đón một chuyến tàu thuờng để trở về Lille. Ngồi trên tàu, tôi cứ là lắc lư suốt mấy tiếng đồng hồ chứ không đụoc cảm giác êm như đứng yên một chỗ như khi đi tàu cao tốc. Giá tàu thường rẻ hơn nhiều, và chuyến tôi đi rất vắng : cả toa chỉ có tôi và một đôi nam nữ.

Như bạn thấy đó, ga nhỏ vắng vẻ quạnh hiu dường nào. Ra đi từ một Sài Gòn tất bật, xô bồ,tôi  bị vẻ đẹp của sự vắng vẻ làm cho đứng tim.

Thứ Ba, 24 tháng 8, 2010

PHIẾM ĐÀM NHÂN NGÀY LÃNG DU CÔNG VIÊN

Khi đi bộ trong công viên, thông thường bạn sẽ “đi theo luồng”, có nghĩa nếu người đi trước mình đi theo chiều ngược kim đồng hồ thì ta cũng sẽ đi theo chiều như vậy. Do đó mà khi nhìn vào công viên buổi sáng hay ban chiều,  ta thấy một vòng tròn người đi nhanh, hối hả , chuyển động không ngừng  như một cây đèn kéo quân. Nếu an vị trên một ghế đá, bạn thấy anh A vụt qua trước mặt theo chiều ngược kim đồng hồ. Đợi khỏang 15-20 phút, lại sẽ thấy hình ảnh anh A vụt ngang tái diễn. Và cứ vậy, cứ vậy.

Sau vài tháng đầu “đi theo luồng” , bỗng dưng tôi chán khi cứ phải nhìn thấy ót anh A. Tôi cũng lại không thích hít thở quá nhiều khí carbon của người khác , khi mà tứ phía quanh tôi có đến hàng chục người đang chen vai thích cánh buớc đi . Tất nhiên, công viên là một lá phổi lọc khí có hạng , nhưng tôi thích một bầu không khí trong lành tòan vẹn, không mùi mồ hôi người . Vì vậy, sau khi “bứơc đi theo luồng” được vài tháng, tôi chuyển hướng, không chăm chăm đi trên cái vòng to nhất nằm ngòai cùng , mà đi ngang, rẽ tắt. Tôi gia nhập vào đòan người ở điểm xuất phát nhưng khi nhìn thấy ngã ba đầu tiên, tôi chào tạm biệt họ để rẽ vào. Tôi đi thẳng tới trước, thấy một con đường  nhỏ khác lại quẹo ngang. Có khi tôi nhập lại với đòan người một đọan ngắn. Nhưng lại nghe mùi mồ hôi chua nồng nên tôi cấp tốc tạm biệt họ lần nữa.

Có khi tôi đi vào khu vực giữa công viên , tự thưởng mình vài cú vòng quanh hồ sen. Nếu trời còn sáng , tôi móc điện thọai chụp hình những đóa cực đẹp. Tôi vượt qua một gò đồi để hạ cánh an tòan bờ bên kia. Khu vực giữa công viên có nhiều cụm kỳ hoa dị thảo, sao tôi lại không tận hưởng cho tâm hồn thăng hoa ? Ít người mồ hôi mồ kê hùng hục nơi đó nên lỗ mũi tôi tha hồ phổng nở. Gần một gốc cây già nơi bầy sóc rất thích leo xuống chơi đùa, tôi dừng lại múa vài đường Thái cực.

Đi công viên theo một chiều đã định , đến một lúc nào đó ta sẽ không còn thấy hàng cây mình đang đi ngang chắc khỏe , to rộng và xanh đến đáng ngạc nhiên như ngày đầu ta mới đến đó. Trong trí ta chỉ còn vang lên những từ ngắn gọn theo nhịp chân bước “ (chỗ này) cây nhiều, (đi ngang) dãy xe màu xanh dùng để chở rác (cũng may không có rác), quẹo, bờ xi măng, quán nước…”. Ta lặng lẽ xướng lên từng cụm từ , vì chúng là những cột mốc nhắc nhớ ta đã đi được bao xa. Những từ đó cứ vang lên theo trật tự đã định,lập đi lập lại một cách buồn chán.

Sau khi đi bộ trong công viên được vài tháng, cảm thấy con đường mình đi đã quá nhàm, tôi biến tấu bằng cách đi ngược luồng. Lập tức, tôi không còn nhìn thấy ót của hàng chục người đi trước nữa , thay vào đó hàng trăm khuôn mặt rõ mồn một ồ ạt kéo tới và sượt ngang mặt mình ! Tôi chỉ cần đừng nhìn chăm chú là thóat khỏi cảm giác chóng mặt trên. Đi ngược chiều, tôi phát hiện mình có không ít người quen. Họ nhận ra tôi và chúng tôi dừng lại, kêu to "Khỏe không em (anh) ?" một cách vui vẻ. Niềm vui này hầu như tôi không được tận hưởng khi cứ bám theo ót anh A ở bờ đông trong khi người quen tôi còn ở tận bờ tây. Chỉ có điều, đi ngược chiều nên tôi phải thật khéo léo, phải biết “kéo thắng” kịp lúc và giữ khỏang cách an tòan với đám đông.

Đó là lúc công viên đông người. Có lần, tôi vào đó khi đòan nguời chưa đến. Công viên chỉ có dăm ba kẻ nắm tay nhau dạo quanh. Tôi thử đi ngược chiều và tức khắc cảm giác con đường quá sức quen thuộc của mình bỗng mang vẻ hòan tòan xa lạ. Không có đòan nguời che bớt cảnh vật, tôi nhìn ra lề trái đã biến thành lề phải , đằng trước trở thành phía sau, cảnh vật đảo ngược lộ ra bề mặt tôi chưa bao giờ thấy. Đi được vài bước, bỗng dưng tôi sợ. Vì sao con đường bình thường thấy quen trong phút chốc biến thành xa lạ ? Giống như một người thân thiết của ta bỗng một ngày biến đổi từ gương mặt đến hình dáng , một cách hòan tòan.

Tôi dừng lại, rồi chầm chậm, quay người để đi đúng cái chiều mình vẫn thường chán. Cảm giác an tòan ùa vào lòng. Hôm đó, tôi không phải hít thở mùi mồ hôi ngừoi nhờ công viên vắng vẻ. Đến hôm đó, tôi mới nhận ra con đường bình thường , quá quen đến độ mình thấy chán đó, ẩn chứa một tình thân.

Thứ Tư, 11 tháng 8, 2010

"Trước mùu tựu trường"

Chưa đi tới nơi ấy mà tôi đã hồi hộp rồi. Trong đầu tôi mường tượng cảnh một studio lọai trung bình, nơi có mic và đầu thu. Có lẽ phòng thu không thuộc lọai cao cấp, vì Thư viện Khoa học tổng hợp bói đâu ra nguồn ngân sách dồi dào cho việc phục vụ không công ? Cũng không hy vọng phòng có máy lạnh. Cha ! Đã quen làm việc trong phòng có điều hòa, có lẽ tôi phải chịu khó rồi nếu muốn làm công việc thiện nguyện. Nhưng bây giờ, nguời ta ai cũng đã biết muốn giữ gìn máy móc phải cho nó được ướp lạnh nên có lẽ tôi không nên lo quá phần này.

Tôi cũng thật tức cười, khi không thắc mắc chuyện có máy lạnh hay không ở nơi tôi sắp chia sẻ một ít thời gian của mình cho công ích. Cái tôi mơ truớc hết đúng ra phải là một hệ thống máy móc chất luợng tạm đủ  để có thể cho ra những băng đĩa âm thanh tốt.  Không biết nguời ta sẽ giao cho tôi đọc những cuốn sách nào đây. Mà dù đọc sách nào,tôi chắc sẽ rất vui. Tốt hơn là có thể đọc những sách về Phật giáo hay như Mùi hương trầm của ông Nguyễn Tường Bách. Mà không biết ở đó có đĩa sách nói về Phật giáo chưa nhỉ. Chắc khó mà có quá. Hay tôi đề nghị vói họ ?

Tức cười quá. Đi làm việc công ích mà cũng hồi hộp, nôn nao, thích thú như sắp được đi học môn gì đó. Từ trước tới nay, mỗi lần cắp sách đến lớp ngọai ngữ, quốc tế học, Đông Nam á học, Văn chương Anh v.v..., tôi đều hồi hộp, nôn nao. Lúc đó vui vì sắp nạp đuợc kiến thức. Còn bây giờ vui vì có thêm một cơ hội làm công quả.

Mà biết đâu, nhờ đọc nhiều sách , tôi sẽ học được thêm những điều gì đó. Vái Trời họ đưa cho tôi những cuốn sách hay. Lỡ là sách tôi không thích ? Ủa mà sao tôi suy nghĩ vẩn vơ, đóan già đóan non về những điều chưa tới chi vậy. Cứ như tưởng tượng trước về một món ăn ngon trước khi chính thức giáp mặt và ... xáp lá cà. Cho dù, theo kinh nghiệm của tôi, 90% những việc dĩen ra trong thực tế không giống những gì bạn tưởng.

Làm con nguời, đối với tôi, thú nhất là khi có thể đóng góp một điều gì đó cho tha nhân. Một điều gì đó mà khi làm nó, ta không phải chà đạp lên ai . Nó có tính lý tuởng. Nó không làm giàu cho túi tiền của ta nhưng rất ư là làm giàu cho tâm hồn. Tôi biết tôi hợp với nó biết bao.