Trang

Thứ Ba, 24 tháng 8, 2010

PHIẾM ĐÀM NHÂN NGÀY LÃNG DU CÔNG VIÊN

Khi đi bộ trong công viên, thông thường bạn sẽ “đi theo luồng”, có nghĩa nếu người đi trước mình đi theo chiều ngược kim đồng hồ thì ta cũng sẽ đi theo chiều như vậy. Do đó mà khi nhìn vào công viên buổi sáng hay ban chiều,  ta thấy một vòng tròn người đi nhanh, hối hả , chuyển động không ngừng  như một cây đèn kéo quân. Nếu an vị trên một ghế đá, bạn thấy anh A vụt qua trước mặt theo chiều ngược kim đồng hồ. Đợi khỏang 15-20 phút, lại sẽ thấy hình ảnh anh A vụt ngang tái diễn. Và cứ vậy, cứ vậy.

Sau vài tháng đầu “đi theo luồng” , bỗng dưng tôi chán khi cứ phải nhìn thấy ót anh A. Tôi cũng lại không thích hít thở quá nhiều khí carbon của người khác , khi mà tứ phía quanh tôi có đến hàng chục người đang chen vai thích cánh buớc đi . Tất nhiên, công viên là một lá phổi lọc khí có hạng , nhưng tôi thích một bầu không khí trong lành tòan vẹn, không mùi mồ hôi người . Vì vậy, sau khi “bứơc đi theo luồng” được vài tháng, tôi chuyển hướng, không chăm chăm đi trên cái vòng to nhất nằm ngòai cùng , mà đi ngang, rẽ tắt. Tôi gia nhập vào đòan người ở điểm xuất phát nhưng khi nhìn thấy ngã ba đầu tiên, tôi chào tạm biệt họ để rẽ vào. Tôi đi thẳng tới trước, thấy một con đường  nhỏ khác lại quẹo ngang. Có khi tôi nhập lại với đòan người một đọan ngắn. Nhưng lại nghe mùi mồ hôi chua nồng nên tôi cấp tốc tạm biệt họ lần nữa.

Có khi tôi đi vào khu vực giữa công viên , tự thưởng mình vài cú vòng quanh hồ sen. Nếu trời còn sáng , tôi móc điện thọai chụp hình những đóa cực đẹp. Tôi vượt qua một gò đồi để hạ cánh an tòan bờ bên kia. Khu vực giữa công viên có nhiều cụm kỳ hoa dị thảo, sao tôi lại không tận hưởng cho tâm hồn thăng hoa ? Ít người mồ hôi mồ kê hùng hục nơi đó nên lỗ mũi tôi tha hồ phổng nở. Gần một gốc cây già nơi bầy sóc rất thích leo xuống chơi đùa, tôi dừng lại múa vài đường Thái cực.

Đi công viên theo một chiều đã định , đến một lúc nào đó ta sẽ không còn thấy hàng cây mình đang đi ngang chắc khỏe , to rộng và xanh đến đáng ngạc nhiên như ngày đầu ta mới đến đó. Trong trí ta chỉ còn vang lên những từ ngắn gọn theo nhịp chân bước “ (chỗ này) cây nhiều, (đi ngang) dãy xe màu xanh dùng để chở rác (cũng may không có rác), quẹo, bờ xi măng, quán nước…”. Ta lặng lẽ xướng lên từng cụm từ , vì chúng là những cột mốc nhắc nhớ ta đã đi được bao xa. Những từ đó cứ vang lên theo trật tự đã định,lập đi lập lại một cách buồn chán.

Sau khi đi bộ trong công viên được vài tháng, cảm thấy con đường mình đi đã quá nhàm, tôi biến tấu bằng cách đi ngược luồng. Lập tức, tôi không còn nhìn thấy ót của hàng chục người đi trước nữa , thay vào đó hàng trăm khuôn mặt rõ mồn một ồ ạt kéo tới và sượt ngang mặt mình ! Tôi chỉ cần đừng nhìn chăm chú là thóat khỏi cảm giác chóng mặt trên. Đi ngược chiều, tôi phát hiện mình có không ít người quen. Họ nhận ra tôi và chúng tôi dừng lại, kêu to "Khỏe không em (anh) ?" một cách vui vẻ. Niềm vui này hầu như tôi không được tận hưởng khi cứ bám theo ót anh A ở bờ đông trong khi người quen tôi còn ở tận bờ tây. Chỉ có điều, đi ngược chiều nên tôi phải thật khéo léo, phải biết “kéo thắng” kịp lúc và giữ khỏang cách an tòan với đám đông.

Đó là lúc công viên đông người. Có lần, tôi vào đó khi đòan nguời chưa đến. Công viên chỉ có dăm ba kẻ nắm tay nhau dạo quanh. Tôi thử đi ngược chiều và tức khắc cảm giác con đường quá sức quen thuộc của mình bỗng mang vẻ hòan tòan xa lạ. Không có đòan nguời che bớt cảnh vật, tôi nhìn ra lề trái đã biến thành lề phải , đằng trước trở thành phía sau, cảnh vật đảo ngược lộ ra bề mặt tôi chưa bao giờ thấy. Đi được vài bước, bỗng dưng tôi sợ. Vì sao con đường bình thường thấy quen trong phút chốc biến thành xa lạ ? Giống như một người thân thiết của ta bỗng một ngày biến đổi từ gương mặt đến hình dáng , một cách hòan tòan.

Tôi dừng lại, rồi chầm chậm, quay người để đi đúng cái chiều mình vẫn thường chán. Cảm giác an tòan ùa vào lòng. Hôm đó, tôi không phải hít thở mùi mồ hôi ngừoi nhờ công viên vắng vẻ. Đến hôm đó, tôi mới nhận ra con đường bình thường , quá quen đến độ mình thấy chán đó, ẩn chứa một tình thân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét