Trang

Thứ Tư, 1 tháng 5, 2013

NGỒI NHẤP CHÉN



Tôi tin trong những người Sài Gòn đã sống qua ngày 30-4 có rất rất nhiều người còn lưu giữ trong ký ức một vài hình ảnh của những ngày cách nay 38 năm.

Đêm 29, cả nhà tôi leo lên sân thượng một khu chung cư trong quận 5, nhìn về hướng quận 1. Ở nơi đó, trên bầu trời đêm nổi bật nhiều ánh lửa sáng lóe. Mẹ tôi lẩm bẩm :”Đánh nhau !”, nét mặt đầy lo lắng. Những ngày trước đó, chúng tôi đã đóng sẵn ba lô quần áo. Cả chiếc cặp đi học bằng da khá lớn của anh  em tôi cũng được trưng dụng làm túi đựng đồ “chạy loạn”. Chúng tôi mặc đồ tây đi ngủ “để có gì là chạy”.

May là nơi chúng tôi ở đã “không có gì”.

Trưa ngày 30-4, khoảng 11g 20, tôi chụp cái thau nhỏ để đi mua đá lạnh. Khu nhà tôi ở khi xưa rất nóng nên vào giờ cơm, chúng tôi có thói quen đi mua đá về để “ăn cơm cho ngon hơn”. Tôi luôn lãnh nhiệm vụ đó. Trưa đó, tôi nói với mẹ “Con đi mua nước đá đây !”. Hình như tôi thoáng thấy vẻ mặt ngần ngừ của mẹ, nhưng người còn chưa kịp nói gì, tôi đã chạy ào xuống đường.

Trước hẻm nhà tôi, người ta đã đóng hai cánh cổng lớn lại. Ngày xưa, đó là dấu hiệu của “an ninh cần siết chặt”. Theo trí nhớ nhỏ nhoi của tôi, mỗi đêm cứ đến giờ thiết quân luật, người ta lại đóng cổng hẻm. Vào ngày 30-4-1975, cánh cổng hẻm tôi đã được đóng suốt từ buổi sáng. Muốn mua đá lạnh, tôi phải ra khỏi hẻm, quẹo trái, bỏ căn đầu bán hủ tíu mì để tới căn thứ hai là “pô đá”. Cổng đóng nhưng tôi cứ săm săm đi tới và lách người nhẹ nhàng qua khe hở hai bên cổng. Tôi thầm nghĩ :”Phân công cho mình mua đá là quá hợp lý ! Gặp người nào to lớn hơn, ắt là phải xách thau không đi về rồi ! ”.

Tôi hơi ngạc nhiên vì pô đá vẫn hoạt động. Và trong lúc chú chủ pô đang chặt đá cho tôi, tôi nghe qua loa phóng thanh đầu hẻm lời kêu gọi bỏ súng đầu hàng của tướng Nguyễn Hữu Hạnh.  Tôi ghi nhận thời gian xảy ra sự kiện ấy là 11g30. Tôi nhận lại thau đá và thấy chú chủ đã bán nhiều hơn bình thường. Theo đường cũ, tôi mang đá lạnh về cho gia đình.

Chiều đó, khoảng 16 giờ, gia đình tôi cùng gia đình người hàng xóm là cố nghệ sĩ Nguyên Hạnh tràn ra đứng ở ban công nhìn về phía đường cái. Chúng tôi thấy chóp những chiếc xe tăng đang ùn ùn lăn bánh ngang qua. Người lớn nhìn với ngổn ngang ý nghĩ của người lớn. Con nít nhìn với chút hoang mang  khi lần đầu  trông thấy những hiện tượng lạ. Sau này, khi tôi  kể mình đã nhìn thấy xe tăng ngày hôm ấy, một số người bạn Pháp nhìn tôi … “đầy hâm mộ” như thể tôi là một chứng nhân lịch sử vĩ đại nào vậy ! 

Tôi có thể ghi  một câu kết. Nhưng cuộc đời của mỗi người là những câu chuyện khác nhau. Có những câu chuyện nằm ngoài tầm kiểm soát, chỉ có thể trôi lăn tăn trên những dòng ba chấm (…) mà thôi.