Trang

Thứ Bảy, 26 tháng 2, 2011

TÌNH YÊU THỜI BÃO GIÁ (viết linh tinh)

Từ nay từ bỏ nhà hàng, em và anh, chúng ta cùng quay về nấu bếp. Nhà mình không sang trọng, lộng lẫy và hòanh tráng như Legend Hotel nhưng được cái bảo đảm sạch sẽ và tha hồ riêng tư.  Nhà mình  không treo trên  tầng cao đô thị cỡ  Zen Plaza nhưng chúng ta đỡ phải đi vòng vòng lấy thức ăn buffet đến mỏi cả giò hoặc ngồi lổn ngổn xếp hàng chờ bàn khiến  “miếng ăn “ trở nên” tồi tàn” quá thể .Anh có nhớ hôm đi ăn cơm niêu Tú Xuơng ? Đang ăn thì nguyên mảng trần sút xuống. May mà ta không bị sao, nhưng người hàng xóm phải được chuyển đi cấp cứu. Tình huống hiểm nguy đó khiến em thở phào vì từ nay ta đã quýet tâm ăn ở nhà. Còn nếu tính về “sự thiệt hơn cụ thể” thì mỗi ngày đỡ tốn 90 USD buffet Legend, mỗi tháng em bỗng giàu lên thêm gần 3000 đô Mỹ ! Còn nếu như mỗi ngày tiết kiệm chỉ  200.000 đ, chí ít mỗi tháng em cũng sẽ giàu thêm 6 triệu !

Thời bão giá khiến mọi thứ nằm ngòai con người đều trở nên đáng sợ. Xăng đáng sợ, giá thức ăn đáng sợ, giá điện đáng sợ. Hôm bác sĩ Đông Y điều chỉnh giá lên thêm 1/3,  nhìn toa thuốc mà lòng em quá đỗi buồn phiền khi nghĩ đến bao người nghèo bị bệnh. Thời bão giá khiến mắt người Việt trở nên ưu tư . Và có Trời biết, con nguời ta đang trở nên tốt hơn hay xấu hơn trong cơn bão điên cuồng ? Trong những ngày đầu tiên này, em trốn bão kỹ trong nhà để chỉ phải giao lưu với một con nguời dễ thương là Anh. Nhờ vậy mà da em có thời gian nhả nắng, không bị nám thêm, Bạch Tuyết bẩm sinh chưa bị biến đổi hẳn thành nguời Somalie. Tình yêu thời bão giá đuợc xem như một pháo đài cẩn mật cho cả túi tiền lẫn tuổi xuân, vì vậy càng trở nên cao giá !

Nói cách khác, trong thời Bão giá, kể cả Tình yêu cũng đuợc nâng giá !

Thứ Sáu, 18 tháng 2, 2011

HẠ LONG !

Mấy ngày nay, câu chuyện ám ảnh tôi nhiều nhất là vụ tàu chìm ở Hạ Long. Một chiếc tàu vỏ gỗ chở du khách đi chơi theo lịch trình 2 ngày 1 đêm đã bị chìm gọn xuống biển vào lúc 5 giờ sáng, trong lúc du khách còn đang chìm sâu vào giấc nồng. Có 21 du khách trên tàu nhưng chỉ 9 được cứu sống.

(Xem bài báo về câu chuyện này)

(Lời kể của nhân chứng)


Tôi đọc danh sách những người tử nạn : hầu hết đều khỏang hai mươi mấy tuổi. Nếu không đọc thì tôi cũng đóan phần đông họ là những ngừơi trẻ. Đêm trước, họ hát hò và chơi trò chơi trên tàu tới 2-3 giờ sáng. Nên vào lúc 5 giờ sáng, thể nào họ cũng đang ngủ mê mệt.

Năm ngóai, vào cuối tháng 3, tôi đã đi Hạ Long. Tôi cũng đi theo lịch trình 2 ngày - 1 đêm nên biết những người trên tàu ấy đã trải qua một ngày thế này : tàu khởi hành trước buổi trưa, ăn trưa trên tàu, tham quan Hạ Long, ngắm  đảo liền đảo chập chùng giăng giăng hiện ra từ xa trong màn sương rồi dần dần bao bọc chung quanh, tham quan những hang động đẹp "bá chấy", cuối cùng thì tàu tiến đến gần một hòn đảo nhưng không cập vào mà  dừng lại nơi xa . Chỗ đuợc chọn là một cái vũng, nước lặng cho du khách tha hồ chèo Kayak , thích thì cứ mặc áo phao vào và ùm xuống biển.

Nhân nói về Kayak. Đó là một kinh nghiệm không giống ai. Du khách leo qua một cái láng, xếp hàng dài chờ tới phiên mình xuống Kayak. Mỗi người tự chọn áo phao, dầm bơi, rồi cứ thế mà leo xuống xuồng. Chả có con ma nào hướng dẫn chúng tôi nên vọc mái dầm  thế nào để điều khiển xuồng và có điều gì cần lưu ý nhằm giữ an tòan tính mệnh. Hôm tôi xuống Kayak, thậm chí chẳng có một đấng liền ông nào dắt cho chiếc xuồng mà chỉ có một chị vừa bưng tô mì ăn liền sì sụp vừa lấy tay chỉ chỗ neo xuồng cho du khách tự lo. Tôi và chồng tôi, hai người tự mặc áo phao, cầm dầm và leo xuống. Tôi chưa bao giờ bơi Kayak nhưng tôi cứ khóat nước đại. Cuối cùng cũng tự mình mò ra cách đưa xuồng tiến lên, thụt lùi, quay vòng.

Khi tôi đã có thể tự xoay sở và  vui sướng bơi xuồng trong vùng biển trong xanh thì một chiếc tàu lớn từ đâu đâm thẳng về phía chúng tôi.  Thì ra chỗ ấy là nơi neo tàu của hàng mấy chục chiếc tàu và những chiếc ấy đang ùn ùn kéo về (tàu chúng tôi là chiếc đầu tiên đến bến). Ngừơi lái tàu ấy dường như không có mắt và  cứ đâm thẳng vào chúng tôi. Trời ạ, tôi đã cắm đầu cắm cổ quạt dầm đến rục cả vai, mặt cắt không còn hột máu mới tránh kịp. Tôi nhìn quanh, và tôi thấy người ta đã để du khách bơi Kayak lọan xạ ngay khu vực tàu lớn vào ra, chẳng phân định chỗ nào dành cho Kayak, chỗ nào dành cho neo tàu !

Những khách nứơc ngòai đi chơi ở Hạ Long rất trẻ . Họ trẻ trung, hồn nhiên, ăn khỏe. Thức ăn bên bàn họ cạn, họ mạnh dạn đi xin thức ăn còn dư bên bàn những ngừơi VN chúng tôi. Buổi tối, họ hứng khởi tham gia màn câu mực. Hình như chẳng ai đành đi ngủ sớm. Một chàng Israel có râu tóc lãng tử như chúa Jesus tìm ra một người VN võ vẽ tiếng Anh như tôi nên khóai chí hỏi han rồi thảo luận về đủ thứ chuyện. Buổi khuya, khi gia đình tôi đã rút vào buồng riêng, tôi còn nghe họ hát hò và chơi trò chơi vang vang. Khép cửa buồng, tôi lần mò ra ngòai boong vì tò mò muốn biết họ chơi gì. Và tôi lấy làm ngạc nhiên khi thấy có một trò chơi kia rất thú vị   có thể kết nối mọi thanh niên Anh, Mỹ, Pháp,Israel ...

Vào lúc 5 giờ sáng ngày 17-2 vừa rồi, con tàu du lịch của công ty Trường Hải nghe nói đã chìm xuống biển trong vòng 1 phút ! Theo lời kể, thủy thủ đòan phát hiện "vỏ tàu bị bung"và thông báo khẩn cấp nhưng không kịp trở tay  ! Nhiều du khách trẻ,  sau một đêm chơi đùa, cười nói, la hét, vui sướng hết cỡ đã vĩnh viễn gửi lại giấc mơ cuộc đời của họ ở Hạ Long.

Lần giở ký ức của chuyến đi Hạ Long năm ngóai, tôi nhớ mình đã bị sốc khi thấy du khách đuợc cho ngủ ngay trên biển ! Truớc đó, tôi cứ tưởng tàu chở đến một hòn đảo nào đó rồi cập vào,du khách lên bờ  và được bố trí qua đêm trong những dãy nhà nghỉ. Chúng tôi còn dặn nhau, lần sau nếu có trở lại phải luôn tìm những tàu có vẻ ngòai trông mới, sau khi quan sát thấy có quá  nhiều tàu cũ kỹ ra khơi . Mỗi khi đi xa, tôi thuờng mang theo dây chuyền mặt tượng Đức Quán Thế Âm để cầu đi đường bình an. Đêm đó,  lênh đênh trên mặt biển, tôi không thể không siết nhẹ mặt tượng và cầu nguyện trước khi ngủ.

Thứ Sáu, 11 tháng 2, 2011

Série sưu tập đồ cũ 2

Ồ không ngờ tôi lại tìm ra thêm một món đồ cổ với nội dung liên quan đến mái nhà nơi tôi đã lớn lên - nơi tôi đã nên người,  nên cáo ;-) Món này làm ra vào tháng 7-2007. Dán nó vào đây, tôi mang tham vọng một ngày nào đó sẽ lại nổi hứng mà viết tiếp série này, sau đó gửi cho các chị yêu để các chị tùy nghi sử dụng. Có lẻ thân tôi không còn liên quan đến căn nhà "tuổi thơ" nữa, nhưng hồn tôi, nên buồn hay vui đây, trót vuớng lại đó một mảnh rồi.

Kỳ thực, nguời giúp tôi mạnh dạn hơn trong việc tỏ bày tiếng nói của mình là bạn Cam Ly và anh Lê Hòang. Tôi trân trọng mang ơn họ.

Và đây :

Kho tàng truyện dân gian Tuổi Trẻ"

Đăng ngày: 10:54 14-11-2007
 
Đây là ghi chép đầu tiên trong dự án "Kho tàng truyện dân gian trong Tuổi Trẻ" của tôi. Cầu Trời cho tôi kiên trì hoàn thành dự án này ! (Thỉnh thoảng, tôi sẽ viết, và tôi gửi xen kẽ trong các entry của mình. Bao giờ tích góp được kha khá, tôi sẽ dựng cho chúng một căn nhà riêng. )

Chị Kim Phi trong lần dự Đại hội cổ đông TK 21 gần nhất đã ngồi cạnh tôi. Cứ mỗi lần hai người thân yêu cũ gặp lại thì có rất nhiều chuyện để nói. Lần đó, nhân anh Đỗ Gia Khởi đứng dậy phát biểu trong đại hội và nhỏ Phương Thảo ngồi sau hỏi "Anh đó là ai vậy chị ?", chị Phi đã kể lại một chuyện "tếu lâm Tuổi Trẻ" giữa anh Khởi và anh Ba Lãng :

- Anh Ba Lãng và anh Khởi cá cược với nhau : ai chạy xe đạp từ Tuổi Trẻ (trụ sở xưa) đến cầu Hóa An đúng với hoặc trước số giờ (ngắn nhất) mà mình nêu ra sẽ thắng. Bởi anh Khởi là người Biên Hòa và anh hay khoe "Mỗi ngày tôi chạy xe đạp từ cơ quan về cầu Hóa An mất 1g 30 phút" nên mới có cuộc cá cược này.

Anh Ba Lãng nói : "Ông chạy quá chậm. Tôi có thể đạp xe từ cơ quan về cầu Hóa An trong vòng 1 g 15 phút". Cả hai anh đồng ý "bắt độ" với nhau.

 Anh Ba Lãng đi xe đạp mini. Anh đã gò lưng mướt mồ hôi đạp chiếc mini ấy từ trụ sở cũ của cơ quan đến cầu Hóa An trong vòng đúng 1g 15 phút. Nhưng đến lúc xuống dốc cầu, do quá mệt, anh Ba Lãng và chiếc xe của anh lộn vòng lông lốc. Tới lúc dựng xe và lồm cồm ngồi dậy được thì đã quá giờ.

Nhỏ Phương Thảo ngồi sau hỏi : "Chuyện THIỆT đó hả chị ?". Chị Phi : "Chuyện thiệt !".

Tôi ghi lại đây để chuẩn bị cho dự án mà mình ấp ủ. Hôm trước bàn với chị Thọ, tôi đã nói phải hành động nhanh vì thấy các anh chị lớp bệnh lớp ra đi, những người còn khỏe mạnh thì trong trí nhớ cũng phai nhạt dần những câu chuyện thuộc về "kho tàng truyện dân gian của Tuổi Trẻ". Nhớ hồi xưa lúc mới vào đây, ngày nào tôi cũng được cười no nê nhờ "uống" những dòng sữa chuyện tình người như thế này. Hôm đi dự Đại hội Cổ đông, chị Phi và tôi sau khi nhắc lại chuyện anh Khởi - anh Ba đã nhìn nhau ngậm ngùi :"Càng lúc, mình càng quên nhiều !".

Vài tháng sau ngày tôi và chị Phi thân yêu "tám" cùng nhau, tôi chưng hửng đọc thông báo dán trong thang máy : Anh Đỗ Gia Khởi (tự Chín Cưng), cựu cán bộ Tuổi Trẻ, Cty thế kỷ 21 .... đã qua đời ngày ....

Série sưu tập đồ cũ 1

Tôi thật là một kẻ cẩu thả. Tôi chế biến món ăn rồi trây trét tùm lum. Hihi. Nói cho có vẻ ghê, chứ tôi muốn nói "Tôi tạo tác đồ nghệ thuật rồi vứt chúng lung tung do thiếu tự tin". Tôi vứt lung tung, nay ở blog này, mốt ở blog nọ. Trong mỗi blog lại còn hơn 2/3 entry được nhốt rất là kỹ nữa chứ , cũng vì cái sự không tự tin ấy.

Tôi là một kẻ đi tự chữa bệnh suốt đời, trong đó có căn bệnh nhút nhát trầm kha, nên nay quyết định nhặt nhạnh đồ cũ vứt lung tung về và dành cho nó một vị trí trang trọng chẳng kém cạnh các em sinh sau đẻ muộn. Vì mới nhặt về nên đồ cũ được đưa ra ở chỗ gần nhất, nhưng xin biết cho, "người" đã có tuổi lắm rồi !

Hồi ấy, chị Thủy Cúc, tên trong giấy khai sinh là HT, người rất tâm huyết với sự nghiệp Tuổi Trẻ có ý định đặt hàng các cựu CBNV viết những câu chuyện đã làm nên TT. Tôi, một kẻ ham vui, lại đặc biệt ưa thích những chuyện  "ngòai luồng", nhìn thóang qua thì nhiều tính hài huớc, ít tính nghiêm túc,nhưng nhìn đăm đăm sẽ thấy trong đó chứa chẳng ít ý nghĩa nhân văn. Có điều tôi mau nản chí nên bây giờ lục kho đồ cũ mới thấy những mẩu chuyện mình sưu tầm rất hẻo. Phần lớn những gì nằm trong trí nhớ đã cùn theo trí nhớ. Ôi thôi, có lẽ trí nhớ con người là một trong số những vật vô thuờng nhất !

Vì vậy nên tôi lật đật copy-paste vào đây để lưu làm tư liệu một bộ đồ khá cổ, được viết ra trong một ngày tháng 4-2008 trong một chiều tâm trạng khá nặng nề. Bạn biết đấy, khi ngừoi buồn ép mình vui thì sẽ thế nào ? Cho ra cái gì đó vô duyên lắm, phải không ? Cái gì đó, nó là đây :

Truyện dân gian Tuổi Trẻ (ghi lại lời kể của chị Lê Thị Cúc)

Đăng ngày: 11:07 13-04-2008


 
Câu chuyện này mình lượm lặt được trong một hoàn cảnh không có gì hứng khởi. Đó là một chiều Chủ nhật mà tất cả những "nội dung" trong mình đều nhạt như nước ốc. Như mọi ngày, mặt sếp mình eo sèo. Mình chán đời và thấy kiếp sống này chẳng khác chi  kiếp bèo. Thế rồi chân đưa bèo mình tới một chỗ đông người (2 người) cốt cho đầu óc  thư giản và lòng nhẹ nhàng hơn . Được mời ăn bánh tự do, đi vòng vòng trong phòng nhìn ngắm các bộ sưu tập đồ chơi, nói chuyện đẩy đưa, bóc con heo vàng trên bàn em Ve , mà thấy đầu óc quả phấn chấn hơn chút . Canh cánh bên lòng vụ "dự án truyện Dân gian", mình  gợi ý chị LTC nhắc lại giùm cho mấy "chuyện xưa".Vì mình nhớ, cái bà chị này từng kể mình nghe một tỷ chuyện hồi mình mới chân ướt chân ráo vào TT - tức hơn 20 năm trước. (Nêu con số này lên mà thấy kiếp sống quả như bèo và bèo này đã già quá sức già.)

 Như chuyện anh Biên Hồ và anh Năm uýnh nhau chẳng hạn. Chuyện này chị Cúc  từng kể mình nghe cách đây 21 năm nhưng mình chỉ còn nhớ lờ mờ. Không có gì hết. Chỉ là chuyện hai ông đánh nhau. Một người tên Biên Hồ, một người là anh Năm- còn gọi "Năm Mini". Phàm là dân TT hồi còn thắt lưng buộc bụng, nghe hai cái tên này sẽ biết ngay đó là ai với ai. Thôi, mình làm nhiệm vụ ghi âm lời chị Cúc đây.

(Lời chị Cúc :) " Hồi đó mình mới vô làm được vài ngày. Đang ngồi họp cơ quan bỗng dưng nghe giọng anh Năm ré lên rất to. Ra là anh Biên Hồ và anh Năm uýnh nhau. Mà hình như là anh Biên Hồ uýnh trước. Mọi người phải nhào vô can. Sau đó, họp ra, anh Biên Hồ đang tiếp khách. Anh Năm từ xa đi lửng thửng tới gần anh kia với bộ dạng hiền lành, giống như "không có chuyện gì hết nữa". Nhưng khi tới sát bên, anh Năm giáng anh Biên Hồ một cú. Hai ông lại nhào vô uýnh nhau. Anh Biên Hồ vừa uýnh vừa la :"Tao uýnh, mày la như đàn bà hả ?". Lúc đó, chị Kim Hạnh  chạy từ trên lầu xuống la "Không cho ai làm việc hết hả ?".

Các anh khác sau khi tách hai người ra được rồi bèn dặn nhau "Can được rồi. Trong cơ quan chú ý, đừng cho hai cha này sáp lại gần nhau nữa nhe". Nhưng liền khi ấy ,  có người bỗng nhớ ra : "Ê ! Tụi nó ở chung nhà với nhau !". (Hai anh BH và NĐ hồi đó ở chung nhà tập thể đường ĐBP với nhau)"

Mình đã lăn ra mà haha. Nếu thi hành  nhiệm vụ viết dự án này mà cứ được cười ha hả như vầy thì cũng đáng.

Chị LTC bắt sang chuyện khác: "Hồi đó mình mới vô làm được vài ngày. Trong vài ngày đó, mình thấy toàn những chuyện gây sốc. Đầu tiên là anh Mạnh Tường (anh Mạnh Tường là một người rất giỏi ngoại ngữ, thân anh to đùng, nhưng anh không đi lại được như người bình thường mà phải chống nạng. Anh tự chế một chiếc xe dành cho người tàn tật, chạy bằng xăng hẳn hoi. Hồi đó mà có "xe chạy bằng xăng " là xịn lắm) . Tự dưng mình thấy có một ông như thế vào nói "Em kia, ra nhờ một chút coi !". Té ra là xe ổng bị trục trặc , phải nhờ người đẩy một chút mới khởi động được. Mình đẩy xe cho anh Mạnh Tường xong trở vào văn phòng chưa được bao lâu lại thấy anh Nguyễn Văn Vinh đi chân thấp chân cao vào. Sau đó tới phiên anh Ba Lãng xuất hiện (anh Ba là người cực tài nhưng chẳng may mắc bệnh khiến sự đẹp trai của anh bị ảnh hưởng nặng nề). Ảnh hỏi " Em thấy sao ?" (ý muốn nói "em thấy làm việc ở đây có được không?").

" "Buổi chiều, chị Thanh Mai gặp mình hỏi thăm xem mình có ổn không. Mình trả lời, mới vô mà đã thấy ba ông như vậy rồi, sợ quá, không biết còn ai vậy nữa không. Chị Thanh Mai bèn nói "Nhiêu đó hết rồi !".

Hết rồi. Những ngày xưa yêu dấu đã qua lâu lắm rồi. Như con tàu đã ra khỏi tầm mắt của mình, kể từ một ngày cuối năm 2004.

Thứ Ba, 8 tháng 2, 2011

SÁNG MỒNG SÁU

Sáng mồng 6, nhân chút chuyện phải giải quyết trong Chợ Lớn, tôi đảo xe một vòng xem người Hoa đặt dấu ấn gì trong ngày được chọn là ngày lành để khai trương của năm nay.

Trên đường THĐ, tiếng trống bùng xèng nghe từ xa khiến tôi ngỡ có múa lân đằng trước. Đến chừng chạy xe ngang mới thấy trước nhà nọ, một ông thầy cúng trong chiếc áo thùng thình màu vàng đang vừa múa vừa bước tới bước lui trước một bàn hương án. Cách ông tới, lui  khiến tôi liên tưởng đến điệu hồ quảng (tạm thời quên tên) coi hồi nhỏ, diễn tả sự suy tính của đức ngài Khổng Minh trước một trận đồ. Quả là đặc thù của người Hoa vì ở địa phận của người Sài Gòn, hình như tôi chưa thấy những thầy cúng công khai họat động ngay mặt tiền đường như thế này bao giờ. 

Vòng qua đường NT, tôi lại thấy nguời ta bày bán cả một dãy phố bánh tổ,  giấy và hoa vàng bạc, nhang đèn… chắc là dành cho việc khai trương. Vốn là dân ngụ cư khu trung tâm Sài Gòn và đã lâu lắm không đi vào Chợ Lớn dịp Tết, tôi tha hồ tròn mắt trước màu sắc sặc sỡ của hàng bánh trái, giống như ở đây, người ta đang “tết” lần nữa. Dĩ nhiên, khai trương công ty không thiếu những màn múa Lân sư rồng nên một chốc sau, xe tôi băng ngang một khu vực khá kẹt xe do người dân bu xem một màn biểu diễn lân sư rồng trước mặt tiền khá hòanh tráng của một công ty.

Sực nhớ mình còn thiếu một đôi giày thể thao, tôi lại quành vào đường THĐ nhưng tiếc thay, cửa hàng quen thuộc của tôi vẫn  cửa chốt then cài. Bù lại, tôi phát hiện một hàng quán khá lạ nên vội vàng cài phanh và quyết định cho xe lên lề. Trong chiếc tủ kiếng mặt tiền, những chiếc ly đủ màu sắc xếp thành hàng vui nhộn ra phết. Trong cửa hàng, những em phục vụ trẻ măng mặt đồng phục áo đỏ tạo nên bầu không khí rất ư là Trung Hoa. Thì ra quán ấy bán rau câu với hơn một chục mùi rất vui. Tôi quyết định mua một lèo 5 ly để mang về từ từ thưởng thức : mùi hồng trà, mùi hạnh nhân, mùi flan, mùi táo, mùi caramel sữa. Em gái nhận đơn đặt hàng của tôi  nói bằng tiếng Hoa với em trai lấy hàng , nghe như “Dách muối Hồng Trà, dách muối … v.v…” ngộ ngộ tai. Tôi thấy  mình như đang đứng trong một phim Hồng Kông, quán Hồng Kông và đóng vai người mua hàng với những diễn viên Trung Quốc. Kể ra thì đúng là ham vui, nhưng nhờ ham vui như vậy mà một chuyện có thể không là gì đối vói kẻ khác cũng khiến mình tủm tĩm nhiều giờ.

Và đây là hàng ly rau câu tôi đã ruớc về. Trong vài tiếng đồng hồ sau đó, có 3 ly đã biến thành “rau câu thiên cổ” : 



Thứ Năm, 3 tháng 2, 2011

TRANH THỦY MẶC MÙA XUÂN

Vậy là  ngày mồng một đã trôi qua. Một người bạn nói rất đúng : người ta chỉ vui trong những ngày chuẩn bị Tết. Chứ qua Giao thừa rồi, kể như Tết đã xong.

Mà cũng ngộ ! Tết đã xong. Vậy sao cứ hâm nóng Tết qua từng năm ? Giống như có một nồi thịt kho, cứ hâm đi hâm lại hòai. Giống như trên Thiên Đình sống một ngày bằng hạ giới sống cả năm. Thế rồi người trên Thiên Đình cứ mang nồi thịt (!) đi hâm mỗi ngày. Họ nhìn vào nồi mà chán chết. Trong khi đó, ngùơi hạ giới lại lăng xăng ngỡ Tết là  điều gì ghê gớm lắm.

Cùng là Tết, nhưng tâm trạng mỗi người nhìn vào Tết mỗi khác. Cùng một ngùoi mà tâm trạng lúc hào hứng, lúc chán chường. Cùng một cảnh vật, hôm nay ta nhìn vào thấy thế này, ngày mai nhìn vào ta lại thấy khác.Kỳ thực, cảnh không thay đổi, chỉ có con nguời bày đặt mang vào kính hồng hay kính xám.

Còn mùa Xuân, sao lại mang vào kính xám ? Có khi chỉ vì một lời nói vu vơ nào đó, sao thấy nặng trĩu trong lòng ?Nguời nói ra chắc đã quên béng. Sao lại mang câu nói ấy hâm đi hâm lại như hâm một nồi thịt quá nhiều mỡ?

Hôm qua mới lập quyết tâm đừng ngã lòng.Hôm nay thấy quyết tâm càng rắn đanh hơn. Kỳ thực chỉ cần thả lỏng, chẳng suy nghĩ gì, cho tâm mềm như bông, ai nói gì mặc ai.

Mà tại sao không nói với nhau tòan những lời hồng ? Tại sao không nghĩ về nhau một cách giản đơn ? Mà tại sao lại phải cần lên tiếng ?


Giao thừa đã qua. Mùa Xuân lại càng qua lâu hơn. Kể cả mùa Hạ chói chang cũng sắp tàn. Những chiếc lá bắt đầu ửng vàng trên cây.Đến chừng nào lá vàng rực hết cả khu vườn, ấy là lúc cảnh vật đẹp nhất  dù chỉ tồn tại trong khỏanh khắc.