Trang

Thứ Năm, 10 tháng 11, 2011

HÔN NHÂN KIỂU GÌ MỚI BỀN?

Trong một lần ngồi quanh bàn cà phê cùng một nhóm chị em gái blogger, tôi khá bất ngờ vì ý kiến  hầu hết mọi người về quan hệ hôn nhân đều mang màu sắc ảm đạm. Tất cả đều cho  không có cái gọi là "tình yêu  tới đầu bạc răng long "giữa những đôi lứa đã thành hôn với nhau. Không có vui bên nhau nào có thể kéo dài. Tình yêu chỉ đẹp thưở ban đầu. Sau nhiều năm chung sống, điều ràng buộc vợ và chồng chỉ còn là nghĩa vụ đối với con cái. Các chị nói với vẻ ê chề, ảo não. Kể cả một bạn chưa lập gia đình với ai dầu từng, hoặc đang yêu, cũng không còn tí niềm tin nào với cái gọi là tuổi thọ của tình yêu. Dù hơi bất ngờ, tôi không cho đó là những bộc lộ cạn cợt . Những nguời trong nhóm đều từ tuổi hơn 40 trở lên, sắc sảo, thâm thúy, có học vị, chỗ đứng trong xã hội và bài viết trên báo.


"Tình yêu có theo mãi cùng hôn nhân không?" là  vấn đề tôi nghe lập đi lập lại , từ tuổi bắt đầu biết mơ màng tâm sự cùng cô bạn hàng xóm. Cho đến lớn lên đi làm, thỉnh thỏang tôi lại nghe chị em quanh mình đề cập  . Đó là dạng câu hỏi nêu lên cho có, chứ chị em quanh tôi đã sẵn phần thân bài và  kết luận chỉ nhằm chứng minh cho  lời đáp là "Không", thậm chí "Không bao giờ! ". Có nhiều giải thích : -những chuyện lặt vặt tủn mủn hàng ngày sẽ làm trôi mất lớp phấn vàng lãng mạn ngày nào  phủ mờ mắt nhau. - Khi sống cùng nhau, mặt nạ đẹp đẽ không còn được giương lên, người ta phơi bày mặt thật , thuờng là chẳng đuợc hòan hảo, của mình ra .- chưa kể, có ai đó trong hai người, hoặc là cả hai, ngọai tình, lưu nếp hằn nghi kỵ trong tâm khảm nguời còn lại,  vân vân và vân vân. Hiếm có đôi nào có thể cuời vui với nhau như thần tiên trong tất cả quãng đời của mình. Thế cho nên, nhìn vào những bức ảnh kèm theo các bài báo ca ngợi những tình già thắm thíết đăng trên báo Phụ nữ thì chớ có tin. Phóng viên Phụ nữ sẽ biện hộ rằng "vì tình sống mãi tới già hiếm vậy nên mới đăng báo để ca ngợi". Thực tế là, thậm chí không có cả một đôi nào yêu nhau tuơi nguyên bền bĩ; các nhân vật trong bài chẳng qua đã giấu lại những câu chuyện mà họ không muốn người đời biết, vì một lẻ rất xưa là có ai giở áo cho nguời xem lưng ?


 Căng thật. Thế mà tôi cũng từng nghe lập luận của một người thanh cao, trong sáng tới mức bị đôi người cho là "ngu ngơ". Người ấy đoan quyết "nếu hai người đến với nhau vô vụ lợi, tình yêu ấy sẽ truờng tồn.  Còn nếu họ tính tóan, cân đo lợi ích  vật chất truớc khi tiến tới hôn nhân, tình yêu vốn dĩ chưa từng có nên mối quan hệ ấy mới dễ tan vỡ". Lúc người ấy nói vậy, bao kẻ đã cười nhạt rất khẽ. Một người nói :"Còn tôi, tôi nghĩ, nếu cả hai đến với nhau vì sự kết hợp ấy thỏa mãn được lợi ích của cả hai bên, quan hệ hôn nhân ấy mới vững bền. Tôi nói đó là QUAN HỆ HÔN NHÂN nhé. Còn tình yêu có bền không thì xin lỗi, tôi chưa thấy cặp nào chỉ có tình yêu đơn thuần nào với nhau mà không tính đến lợi ích."




Ví dụ, thời nay có cô công chúa Tiên Dung nào yêu một anh Chữ Đồng Tử nghèo mạt rệp  ? Nếu thích nghe sáo, cô sẽ chỉ bỏ tiền mua tiếng sáo. Thời nay, thuờng là phụ nữ nhắm đến túi tiền rất cụ thể, hoặc địa vị rất rõ ràng mà nguời đàn ông nằm trong mục tiêu của cô ắt sẽ mang lại. Còn đàn ông, ngòai miệng có thể tự xưng mình cao thượng vì không thèm màng tới cô nàng có bao nhiêu của nả, nhưng trong lòng cũng đầy "kỳ vọng" vào những gì người phụ nữ có thể làm cho họ . Chẳng hạn như mong cô nàng sẽ chăm sóc tốt cho anh em của mình. Nếu không thì nàng phải đẹp rực rỡ hay dịu dàng cùng tận để mình đuợc thể mà khoe ra đôi chút. Đó có nghĩa người ta không lấy nhau chỉ với mỗi lý do muốn làm cho cuộc đời của người còn lại thêm tươi đẹp mà chỉ lấy với mong muốn người nọ làm cho cuộc đời mình tốt hơn lên. Cho dù chỉ với mong muốn "cô nàng thật vui tính. Lấy nàng, đời mình sẽ vui lên" cũng đã mang hơi hướng của một sự "vì mình".


Thế cho nên, nếu cả hai bên đều mong muốn lợi ích từ phía kia và cuối cùng đều đuợc thỏa mãn thì huề, hôn nhân ấy sẽ vững bền, không khí trong nhà lúc nào cũng vui vẻ. Đó là mô hình hôn nhân lý tưởng nhất. Tôi nghĩ, chắc vì lý do này mà Đức Phật dạy lìa xa ái dục vì nó dẫn tới vị kỷ.


Nhưng cuộc sống thế tục vốn vậy. Liên minh vợ chồng giống quan hệ giữa hai đồng minh - cả hai bên đều phải tìm thấy lợi ích từ nhau mới có thể hình thành liên minh. Thậm chí, còn phải rạch ròi hơn : phải nhìn nhận  những lợi ích phía kia đã mang lại cho mình và thỏa mãn ngược lại. Rồi đâu phải chỉ vậy. Giữa hai nước đồng minh còn rất cần những màn ngọai giao, những cuộc đối đãi khéo léo với nhau.


Dễ sợ. Tôi tán chuyện tới đây còn phải tự mình thấy dễ sợ. Cho nên tôi vẫn chuộng lập luận của vị bạn thanh cao nọ " Tôi thích mọi sự đều phải xuất phát từ tình cảm". Nhưng tình cảm  cũng cần  tìm cách đong đầy. Mà lỡ lúc nào đó chỉ còn một bên lo việc khó nhọc này, tất nhiên người ấy sẽ phải khó nhọc gấp đôi.


Kiểu gì cũng nhọc.

Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2011

NHỮNG NGƯỜI BẠN TRÊN CHIẾC ĐÈN KÉO QUÂN (chưa chỉnh sửa)

Tuổi đã cao, tôi nhìn lại đời mình, thấy những gương mặt bạn bè kéo qua trong trí óc hệt chiếc đèn kéo quân. 

Nào là vài gương mặt rời rạc của những người bạn tiểu học. Hồi tưởng tuổi này, tôi chỉ nhớ được một số ít người. Nhưng những gương mặt hiếm hoi ấy, lạ lùng sao, hiện lên trong trí, và trong tim tôi, tươi sáng, trinh nguyên như ở thưở ban đầu. Gương mặt Phương Lan thật trắng trẻo. Bạn hiện ra, mái tóc kẹp một bên mái, phủ tới ngang lưng, hàm răng đặc trưng người gốc Bắc,  bình thản chứ chẳng lí lắc, nhí nhố như tôi. . Đó là bạn thân nhất của tôi từ năm lớp 1 đến lớp 4, trước khi cả lũ trường tôi bị chia cắt tan đàn xẻ nghé. Rồi mặt Thanh Tước, cô bạn học giỏi nhất năm lớp 2 dù là con của một người bán rau trong chợ nhỏ gần nhà tôi. Sau này khi đã lớn, tôi nghi ngờ cái lý lịch từng khiến tôi rưng rưng thương cảm đó. Nhớ lại cái ngày duy nhất tôi ghé chơi nhà bạn.Và cái ngày cậu tôi cho biết ngôi trường mẹ tôi gắng gửi tôi vào thưở nhỏ thuộc lọai có học phí cao nhất Sài Gòn.

Kế đến là những gương mặt cấp hai : Hai Ù (Minh Phượng), Ba Bí (Diễm Thúy), Tư Cận (Lâm Tuyền) và Út điệu (Kim Dung).  Tôi cũng nhớ buổi tối tôi tình cờ bị một xe máy đâm phải và cả hai lăn ra  chỏng gọng trên đuờng. Vừa định to tíeng đã thấy người ngồi phía sau xe kia chính là cô Út Điệu nhìeu chục năm xa cách. Tôi mừng vui  hỏi bạn địa chỉ với sự cả tin của người tưởng mình vẫn còn một trí nhớ siêu việt. Bằng cách ấy, tôi để bạn vuột đi sau khi vừa nhận được ân huệ trời ban. Cấp hai còn có   gương mặt một bạn không thân nhưng cứ khiến tôi xót xa mỗi khi hồi nhớ. Tôi hận nổi không thể  nhận ra đường đi đến ngôi chợ bạn từng ngồi bán cá nuôi em khi mẹ bạn qua đời vì chứng bệnh ung thư, trong khi những bạn lớp 6 của mình đều đã lên lớp để tiếp tục  mài đũng quần trên băng ghế lớp bảy. Tôi cố tình ngây thơ hy vọng bạn vẫn ngồi ở sạp hàng đó khi tôi tới tìm để trao món quà của cô giáo chủ nhiệm lớp 6. Nhưng gió đời vẫn tung, thổi bay hình ảnh người bạn bất hạnh đến một phương trời nào đó rất xa. Chỉ có tôi ôm giấu một bí mật .

Kim Thoa là tên bạn ấy. 

Rồi Lê Hồng Phong. Ồ quá nhiều những khuôn mặt !. Ngọc Hương, cô bạn dịu dàng dễ mến vừa tìm lại được sao 26 năm chia cách. Trúc Lam , Như Hương... với những đĩa bột chiên, ly chè ... "cứu đói" cho người bạn nghèo còn hơn chữ nghèo. Hồng Vân, Liên Phương, nhất là Hồng Vân, một cô bạn có trái tim vàng được giấu kỹ sau vẻ ngòai cố tình giữ khỏang cách. Thi Thu với vẻ đẹp tiên sa làm ngơ ngẩn rất nhiều bậc anh tài trường tôi. Tường Phong, Hòang Yến, Mỹ Ngọc, Phượng Liên, Thanh Thảo, Minh Thảo, Thanh Liêm ...Nếu còn ngồi trong phòng học 12, khi quay lưng, tôi sẽ thấy  Xuyến với mái tóc dài óng ả kết rất nhiều kẹp và dây thắt đủ màu ngồi giữa Trung Nguyên và Đức Minh . Rồi những Anh Dũng, Bá Tùng, Anh Khoa, Thế Vinh, Trọng Chinh, Hữu Định, Vũ Hùng... Rất nhiều nữa. Các bạn ấy  xoay mặt cười với tôi trước khi biến mất bện mặt kia của đèn. Một gương mặt tách rời ra là  Trung Tín, cậu bạn "học sinh cá biệt" ngồi cạnh năm lớp 11 đã gửi lại cho tôi những dòng tâm sự chí tình trong quyển lưu bút. Trung Tín nhếch cái miệng móm cười với tôi rồi biến mất về phía kia. Trung Tín, gương mặt cậu nhạt nhòa so với các bạn khác. Về bạn, tôi chỉ nghe kể qua một lần một, câu chuyện đáp lên một chiếc lá vàng nhẹ thênh  trôi vào miền quên.

Những gương mặt các anh chị trong Tuổi Trẻ những năm đầu tôi làm việc ở đó vừa thân thương vừa nghiêm trang. Họ nhìn tôi, buồn trong đáy mắt. Giờ đây,nỗi buồn ấy đã biết đến tôi. Từng nhóm "bạn thân" xoay mặt đến gần, rồi rời xa như  dòng đời phải thế . Chỉ có gương mặt chị Hồng Thọ luôn cười lấp lánh với tôi dù có ở mặt kia của đèn . Rồi Cam Ly, Hồ Nguyên Thảo, kéo theo một đòan  gương mặt những người bạn ngành ngọai giao : chị Xuân Trang, anh Hòang Ân .... Còn chị Kim Cúc, chị Thanh Minh, Kim Liên, Phương Thảo, Hòai Trang .... Những gương mặt như những đốm hoa mai điểm xuyết trên áo đèn, nóng rảy tay ta khi chạm vào.

Và những anh chị bạn mới quen từ khi lấy chồng. Đúng ra, đó là bạn của chồng. Những anh Thân, chị Hiền, chị Trinh , Phượng, Thanh , Tú ... Những con người thuộc tầng lớp bình dân ít rối rắm. Đứng ở nơi này, tôi nhận ra một sự biến đổi nơi con người từ cái ngày họ bước vào kinh doanh và con đuờng chính trị. Nếu không tin vào tâm linh, hình như đó là cách để tự hủy họai mình theo cách mình chẳng thể nhận ra.

Rồi gương mặt của Mập, Mây, chị Gió, P.N , chị Ba TN .... Những blogger dễ thương của tôi, nối kết với nhau qua chị HT. Tôi vẫn nói chị T là số một. Thứ tình hiếm hoi được thử thách bằng độ xa thòi gian và địa lý.

Là bạn bè với nhau xin đừng nói năng gì. Cứ hãy chờ rồi sẽ thấy nguời đến ôm chòang lấy ta.

Thứ Ba, 16 tháng 8, 2011

CHIỀU NAY QUA PHỐ

Có một ông tây tuớng tá bệ vệ, quần áo chỉnh chu, áo sơmi lúc nào cũng treo một chiếc cà vạt, chiều chiều cầm dù đi ngang công viên gần nhà tôi. Chiếc dù  màu đen của ông bề thế tương xứng với thân hình của người mang vác. Những lúc tôi có mặt, nắng đã tắt từ lâu, trời hầu như khô ráo nên  ít khi tôi thấy đuợc cảnh  ông  giương dù. Chỉ thấy ông cặp nách  hoặc chống cồm cộp theo từng bước chân.

Dường như ông đến VN làm việc đã nhiều năm. Trông cặp kính trễ trên mũi và dáng vẻ đạo mạo nghiêm trang, giờ giấc đi ngang công viên gần như chính xác từng phút, tôi thấy ông mang dáng vẻ của  một nhà giáo . Nhưng ở đời nhìn vào bề ngòai con người mà vội đưa ra  xét đóan, thường thì nó sai tuốt tuột. Vào một ngày nào đó, đến lúc tôi vỡ lẽ ông là chuyên gia cao cấp của một tập đòan nước ngòai nào đó chẳng hạn, chắc tôi bổ ngữa ra. Người nước ngòai làm việc rất tuân thủ đồng hồ sinh học. Họ có thể "làm lơ" cho nhân viên VN dưới trướng ở lại công ty cày đến 8 giờ đêm, nhưng các ông sếp tây cứ đến đúng giờ tan tầm là "bốc hơi" tắp lự. 


Dù trí tưởng tượng của tôi có đi quá đà tới đâu, ông tây này vẫn đưa lại cảm giác về một người nghiêm trang, đạo mạo, đúng giờ, có cái vẻ gương mẫu, chỉnh chu .  Một người không thích rẻ ngang rẻ dọc, không thích những gì không tôn ti trật tự.


Chiều nay, trời bỗng nổi cơn mưa bụi lất phất. Ông tây đứng ở ngã tư chờ đèn đỏ để băng ngang đường về khu căn hộ cao cấp của mình. Có hai cô  gái tuổi vừa hơn đôi muơi  từ đâu tấp vào trước mặt ông, mũi xe máy tìm đường  lũi lên lề - thói quen thị dân mới phát sinh sau thời gian sống chung với lô cốt. Mặt ông tây bỗng cau lại. Ông lấy mũi dù chặn xe hai cô nàng , miệng phát ngôn rất rõ, bằng tiếng Việt  :"Bất lịch sự !". Thấy hai cô  có vẻ chưa nghe rõ, ông lặp đi lặp lại  "Bất lịch sự ! Bất lịch sự !". 


Câu nói của ông tây rõ ràng là một lời mắng, nhưng hai cô gái trẻ không có vẻ gì cảm nhận được điều ấy. Hai cô chỉ thấy quá sức thú vị khi gặp một người nước ngòai nói tiếng Việt đúng giọng Sài Gòn, mặc cho cái câu ấy là tiếng chửi.  Mặt hai cô toe tóet hết cỡ, rồi  tranh thủ lúc ông tây lơi mũi dù , các cô lách lên khỏang trống vừa hé, vọt xe lên lề chạy bon bon. Vừa chạy vừa cười rất vui.


Đèn xanh dành cho người đi bộ. Ông tây băng qua đuờng. Có hai du khách phương tây trẻ từ lề đối diện mới dợm bước xuống lòng đuờng đã một phen hú vía vì một chiếc xe máy quẹo qua súyt cán lên bàn chân họ. Cô gái líu ríu ôm chặt tay người bạn trai , mặt chưa kịp hòan hồn. Ông tây thấy cảnh đó, nhưng mặt ông giờ phẳng lặng.


Lòng tôi mấy phen hỗ thẹn. Nhưng tôi vẫn im lặng suốt đọan đường. Khi về tới nhà, tôi nhớ, lúc hai cô gái trẻ  khư khư kiếm cách lủi xe lên vĩa hè, ông tây đã nhìn sang tôi như thể chờ một người cùng  dân tộc và quốc tịch với hai cô gái giải thích cho hai cô về biểu hiện của trật tự giao thông và ý thức văn minh. Không thấy tôi nói gì, ông quay đi.

Bởi vì, lâu rồi, tôi  từng lên tiếng trước tất cả những sự việc tương tự.Nhưng càng về sau này càng khó gặp một người hiểu tôi muốn nói gì, dù tôi nói 100% bằng tiếng Việt.



Nên bây giờ, mặt tôi cũng im lìm khó đóan, như ông  vậy, ông tây !

Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2011

Cảm xúc người mẹ

Bé nói, con thấy đau ngực, không biết bị gì , mẹ ơi ! Trước đó hai ngày, cô bé cũng than mệt, ăn khó tiêu, mặt rầu rầu. Trong vòng 5 giây, tôi chẩn đóan bé bị nhiễm lạnh, nhiễm nuớc. Cô bé 10 tuổi rưỡi đang "thấy tháng" lần thứ hai mà cố đi bơi trong những ngày hè ở Nha Trang nên nhiễm lạnh là chuyện dễ hiểu. Tối đó, tôi cạo gió cho bé ra một cái lưng bầm đen. Hai ngày sau, bé lại than tức ngực, ắt là đã biết tôi sẽ kêu "xoay lưng lại để mẹ xoa dầu nè". Chắc ghiền rồi.

Tôi cạo nhẹ nhẹ. Đối với trẻ con những lần đầu cạo gió, tôi chỉ vận tối đa 2 thành công lực. Vậy mà những "vết xương cá" bầm đỏ vẫn cứ hiện ra. Lưng cô bé ngắn vì "người" chỉ mới nhổ giò đến  1,52 mét. Tôi thuờng cạo gió cho ba cô bé nên so hai cái lưng này quả thật dài - ngắn rất khác biệt. Lưng bé nhỏ, nên tôi chỉ cạo một lóang là xong. Từng nét dọc rồi ngang ngăn ngắn, xinh xinh . Chỉ một chút là xong. Không hiểu sao,  tôi thấy mình vừa cạo gió vừa xúc động. Những ngón tay của tôi luớt thật nhẹ nhưng rất nhạy cảm. Mỗi khi gió ửng lên, lòng tôi xót xa, thương thương. Chỉ mãi sau khi đã nằm xuống kế bên cô bé con riêng của chồng, tôi mới hiểu mình vừa bộc phát cảm xúc của người mẹ khi chăm sóc cho một cái lưng bé dường ấy.

Một cái lưng suốt đời quay về phía  tôi vì cuộc hội ngộ này  lẽ ra không nên có.

Thứ Ba, 21 tháng 6, 2011

TÀU ĐÃ KHUẤT

Nhớ hồi đó, tiễn một người bạn trở về nhà bạn ở Mauritanie. Bạn đón tàu TGV để ra sân bay về nhà. Bạn không có người đưa ngọai trừ  tôi đẩy giúp một chiếc vali ra sân ga. Bạn lên tàu. Tôi đứng trông theo. TGV quả không hổ về tốc độ chạy như bay nên khi tàu bắt đầu chuyển động, thóắt một cái đã thấy lướt nhanh đến chỗ rẽ, thêm một giây, tôi không còn thấy bạn đâu. Bạn biến mất từ đấy. Chỉ còn tôi  nhớ mãi ngọn đèn đỏ nhấp nháy ở khúc ngoặt đường ray trong một sân ga chấp chới bởi bóng chiều nhập nhọang.

Hồi đó, tôi còn trẻ. Sau này, nhìn lại, tôi thấy tuổi trẻ mình cũng chạy nhanh sồng sộc như con tàu TGV tiễn biệt nọ. Khổ một điều, lắm thứ tôi đành phải bỏ lại rơi rớt phía sau lúc đang chạy, nghĩ bụng lúc nào đó sẽ quay lại để nhặt. Nhưng giờ tôi thấy điều đó là bất khả.

Tôi đang đọc bộ Mật mã Tây Tạng. Không thích cái kiểu tự tôn tới mức xem dân tộc mình là nguồn cội của nhân lọai nhưng phải phủ phục trước kiến thức, vốn sống, sức tưởng tượng và ý chí viết kiên cuờng của tác giả. Và ganh tị với ... một cái lưng vững chãi, ngồi vững chãi.

Thứ Năm, 28 tháng 4, 2011

CẬU TÔI




Ông Trần Văn L. sinh năm 1936, tuổi Tý, ở Long Điền, Long Đất, Bà Rịa. Thuở nhỏ, ông học trường Pétrus Ký và đã từng tham gia vào cuộc biểu tình  khi  Trò Ơn hy sinh. Tên ông nằm trong danh sách bị mật thám theo dõi nên có một giai đọan, gia đình phải gửi ông sang Pháp chờ đến khi tình hình trong nuớc yên ắng trở lại.


Lớn lên, ông yêu rồi lập gia đình với  một người phụ nữ mang lại cho ông tám đứa con, nhưng sau đó có một đứa qua đời trong một trận hỏa họan. Trước ngày 30-4-1975, ông làm ở Cục Thuế, thu nhập khá dư dả. Vợ ông, ngòai sinh con, đầu tư rất nhiều thời gian bên chiếu bạc nên ông  chán. Ông có tình nhân. Những ngày náo động cận 30-4-1975, ông cùng bảy  con nhỏ và cô tình nhân cùng hai đứa con riêng của cô này bay khỏi Sài Gòn. Người đời đồn đãi nhau rằng trong lúc tình thế nước sôi lửa bỏng, vợ ông vẫn bình chân bên chiếu bạc Còn vợ ông thì khóc lóc thảm thiết , rằng bà đã bị người khác "cài bẫy" để phải một mình ở lại VN. Sao thì sao, ông đã bay ra nước ngòai cùng bảy đứa con. Duy có điều, ông không biết, vợ ông ở lại VN ngày ấy cùng một cái thai 2 tháng tuổi. Khỏang bảy tháng sau, đứa bé gái ra đời, bên cạnh mẹ nó chỉ có một người thân là mẹ tôi. Mẹ tôi đặt tên cho đứa em họ của tôi tên "Mỹ Liên"  với mong muốn "sau này sẽ liên lạc lại được với ngừoi bên Mỹ". Khi ấy, tôi còn nhỏ lắm, nhưng tôi vẫn nhớ, sau Giải Phóng có hai năm dài, người trong nước hòan tòan biệt giao với thế giới bên ngòai. Mãi đến năm 1977, người đi kẻ ở mới bắt đầu có thể  liên lạc với nhau bằng những lá thư tay.

Năm 1998, ông L khi ấy 62 tuổi, lần đầu trở lại quê hương. Nguời vợ thứ hai của ông, chính là "cô tình nhân" năm nào, đã qua đời vì bệnh ung thư. Xa quê hương 23 năm,  nay trở lại, tóc ông đã xám bạc hết cả. Sau một thời gian  của những run rẩy, nao nao ngày đầu trở lại, ông L  nhớ lại thời trai trẻ của mình ở VN với bao nhiệt tình, đam mê vừa sống dậy. Ông kết một người phụ nữ mới, và tự mình điều khiển xe hai bánh chở người sau này sẽ trở thành vợ thứ ba của ông lả lướt trên phố phuờng. Nước Mỹ rất sung túc, phong phú, nhưng ở VN, ông L. có những kỹ niệm của nửa quảng đời đầu không thể nào tìm thấy ở đâu. Nhìn ông lao ra đuờng trên chiếc xe gắn máy, cô cháu gái là tôi bậm môi phóng theo cũng khó bắt kịp. Ông lái xe một cách vui sướng. Ông cũng thuờng ngồi hàng giờ ở nhà hàng café Rex Hòang Cung ngay góc đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ , thảnh thơi nhìn người qua kẻ lại . Nhìn người đàn ông lão niên dáng dấp quý phái, khó ai tin có lúc, ông đã chấp nhận  đủ mọi nghề để một mình nuôi cả bầy con nơi xứ lạ, kể cả đóng chuồng bò .

Cuộc hôn nhân với người vợ thứ ba có nhiều vị  chát chẳng khác những lần đã qua. Nhưng dẫu sao, từ 1998, hầu như năm nào ông L cũng trở lại VN để hưởng thụ tuổi già. Ông làm giấy bảo lãnh sang Mỹ cho đứa con thứ tám. Khỏang thời gian ông lưu trú ở VN mỗi lúc mỗi tăng. Cuối cùng thì thành lệ, mỗi năm cứ vào khỏang tháng 6, có khi sớm có khi trễ hơn, ông lại về VN. Trễ  nhất là vào khỏang tháng 9. Ở VN, ông đi tập dưỡng sinh ở Viện Y học dân tộc, đi bộ trong công viên Tao Đàn, có lúc lại còn đi tập Thái cực Khí công, nếu không thì đi dạo Nhà sách ở Trung tâm Sài Gòn. Có lần ông gãy tay vì trượt té khi đánh tennis. Kể từ ngày đó, ông không tự mình điều khiển giao thông được nữa mà đi đâu cũng phải có "tài xế'. Vậy mà vài năm sau, mỗi sáng, ông đánh banh trở lại trong thời gian 15 phút, làm cháu gái ông phải ngưỡng mộ lẫn thấp thỏm . Thôi kệ, quan trọng nhất là ông vui. Ông tận hưởng "những tháng vàng VN" cho đến khỏang sau Tết Tây rồi quay lại Mỹ. Ông hay nói, năm nào ông cũng mong tới lúc về chơi ở VN  vì chỉ có ở VN, ông mới " hết nhức đầu vì những điều vụn vặt trong cuộc sống gia đình ở Mỹ".

Bốn tháng sau lần về chơi VN gần nhất, một buổi chiều mấy đứa cháu ngọai  gọi điện cho bố mẹ chúng thắc mắc sao  tan học lâu rồi mà  vẫn chưa đuợc ông ngọai tới đón. Mẹ của hai trong số những đứa ấy tức tốc từ chỗ làm lái xe 1,5 tiếng đồng hồ để  trở về nhà. Về đến nơi, cô thấy ông L có vẻ như đang  ngủ quên dưới đất, trên bàn , ly cà phê nguội ngắt nguội ngơ. Khi xe cứu thương tới nhà, nhân viên y tế xác định, ông L đã lăn ra đất vì tai biến mười tiếng đồng hồ trước khi đuợc cứu chữa.

Ở tuổi 75, ông L đã đuợc miễn trừ  điều khiển giao thông từ lâu trong những lúc sống tại VN. Bây giờ, ông nằm trong bệnh viện Cali với tình trạng bán thân bất tọai. Có hôm, nhân viên bệnh viện phát hiện ông lê ra mép giường và quăng mình xuống đất. Giọng thều thào, ông L, cậu tôi, nói , ông muốn "về nhà".




Thứ Bảy, 26 tháng 2, 2011

TÌNH YÊU THỜI BÃO GIÁ (viết linh tinh)

Từ nay từ bỏ nhà hàng, em và anh, chúng ta cùng quay về nấu bếp. Nhà mình không sang trọng, lộng lẫy và hòanh tráng như Legend Hotel nhưng được cái bảo đảm sạch sẽ và tha hồ riêng tư.  Nhà mình  không treo trên  tầng cao đô thị cỡ  Zen Plaza nhưng chúng ta đỡ phải đi vòng vòng lấy thức ăn buffet đến mỏi cả giò hoặc ngồi lổn ngổn xếp hàng chờ bàn khiến  “miếng ăn “ trở nên” tồi tàn” quá thể .Anh có nhớ hôm đi ăn cơm niêu Tú Xuơng ? Đang ăn thì nguyên mảng trần sút xuống. May mà ta không bị sao, nhưng người hàng xóm phải được chuyển đi cấp cứu. Tình huống hiểm nguy đó khiến em thở phào vì từ nay ta đã quýet tâm ăn ở nhà. Còn nếu tính về “sự thiệt hơn cụ thể” thì mỗi ngày đỡ tốn 90 USD buffet Legend, mỗi tháng em bỗng giàu lên thêm gần 3000 đô Mỹ ! Còn nếu như mỗi ngày tiết kiệm chỉ  200.000 đ, chí ít mỗi tháng em cũng sẽ giàu thêm 6 triệu !

Thời bão giá khiến mọi thứ nằm ngòai con người đều trở nên đáng sợ. Xăng đáng sợ, giá thức ăn đáng sợ, giá điện đáng sợ. Hôm bác sĩ Đông Y điều chỉnh giá lên thêm 1/3,  nhìn toa thuốc mà lòng em quá đỗi buồn phiền khi nghĩ đến bao người nghèo bị bệnh. Thời bão giá khiến mắt người Việt trở nên ưu tư . Và có Trời biết, con nguời ta đang trở nên tốt hơn hay xấu hơn trong cơn bão điên cuồng ? Trong những ngày đầu tiên này, em trốn bão kỹ trong nhà để chỉ phải giao lưu với một con nguời dễ thương là Anh. Nhờ vậy mà da em có thời gian nhả nắng, không bị nám thêm, Bạch Tuyết bẩm sinh chưa bị biến đổi hẳn thành nguời Somalie. Tình yêu thời bão giá đuợc xem như một pháo đài cẩn mật cho cả túi tiền lẫn tuổi xuân, vì vậy càng trở nên cao giá !

Nói cách khác, trong thời Bão giá, kể cả Tình yêu cũng đuợc nâng giá !

Thứ Sáu, 18 tháng 2, 2011

HẠ LONG !

Mấy ngày nay, câu chuyện ám ảnh tôi nhiều nhất là vụ tàu chìm ở Hạ Long. Một chiếc tàu vỏ gỗ chở du khách đi chơi theo lịch trình 2 ngày 1 đêm đã bị chìm gọn xuống biển vào lúc 5 giờ sáng, trong lúc du khách còn đang chìm sâu vào giấc nồng. Có 21 du khách trên tàu nhưng chỉ 9 được cứu sống.

(Xem bài báo về câu chuyện này)

(Lời kể của nhân chứng)


Tôi đọc danh sách những người tử nạn : hầu hết đều khỏang hai mươi mấy tuổi. Nếu không đọc thì tôi cũng đóan phần đông họ là những ngừơi trẻ. Đêm trước, họ hát hò và chơi trò chơi trên tàu tới 2-3 giờ sáng. Nên vào lúc 5 giờ sáng, thể nào họ cũng đang ngủ mê mệt.

Năm ngóai, vào cuối tháng 3, tôi đã đi Hạ Long. Tôi cũng đi theo lịch trình 2 ngày - 1 đêm nên biết những người trên tàu ấy đã trải qua một ngày thế này : tàu khởi hành trước buổi trưa, ăn trưa trên tàu, tham quan Hạ Long, ngắm  đảo liền đảo chập chùng giăng giăng hiện ra từ xa trong màn sương rồi dần dần bao bọc chung quanh, tham quan những hang động đẹp "bá chấy", cuối cùng thì tàu tiến đến gần một hòn đảo nhưng không cập vào mà  dừng lại nơi xa . Chỗ đuợc chọn là một cái vũng, nước lặng cho du khách tha hồ chèo Kayak , thích thì cứ mặc áo phao vào và ùm xuống biển.

Nhân nói về Kayak. Đó là một kinh nghiệm không giống ai. Du khách leo qua một cái láng, xếp hàng dài chờ tới phiên mình xuống Kayak. Mỗi người tự chọn áo phao, dầm bơi, rồi cứ thế mà leo xuống xuồng. Chả có con ma nào hướng dẫn chúng tôi nên vọc mái dầm  thế nào để điều khiển xuồng và có điều gì cần lưu ý nhằm giữ an tòan tính mệnh. Hôm tôi xuống Kayak, thậm chí chẳng có một đấng liền ông nào dắt cho chiếc xuồng mà chỉ có một chị vừa bưng tô mì ăn liền sì sụp vừa lấy tay chỉ chỗ neo xuồng cho du khách tự lo. Tôi và chồng tôi, hai người tự mặc áo phao, cầm dầm và leo xuống. Tôi chưa bao giờ bơi Kayak nhưng tôi cứ khóat nước đại. Cuối cùng cũng tự mình mò ra cách đưa xuồng tiến lên, thụt lùi, quay vòng.

Khi tôi đã có thể tự xoay sở và  vui sướng bơi xuồng trong vùng biển trong xanh thì một chiếc tàu lớn từ đâu đâm thẳng về phía chúng tôi.  Thì ra chỗ ấy là nơi neo tàu của hàng mấy chục chiếc tàu và những chiếc ấy đang ùn ùn kéo về (tàu chúng tôi là chiếc đầu tiên đến bến). Ngừơi lái tàu ấy dường như không có mắt và  cứ đâm thẳng vào chúng tôi. Trời ạ, tôi đã cắm đầu cắm cổ quạt dầm đến rục cả vai, mặt cắt không còn hột máu mới tránh kịp. Tôi nhìn quanh, và tôi thấy người ta đã để du khách bơi Kayak lọan xạ ngay khu vực tàu lớn vào ra, chẳng phân định chỗ nào dành cho Kayak, chỗ nào dành cho neo tàu !

Những khách nứơc ngòai đi chơi ở Hạ Long rất trẻ . Họ trẻ trung, hồn nhiên, ăn khỏe. Thức ăn bên bàn họ cạn, họ mạnh dạn đi xin thức ăn còn dư bên bàn những ngừơi VN chúng tôi. Buổi tối, họ hứng khởi tham gia màn câu mực. Hình như chẳng ai đành đi ngủ sớm. Một chàng Israel có râu tóc lãng tử như chúa Jesus tìm ra một người VN võ vẽ tiếng Anh như tôi nên khóai chí hỏi han rồi thảo luận về đủ thứ chuyện. Buổi khuya, khi gia đình tôi đã rút vào buồng riêng, tôi còn nghe họ hát hò và chơi trò chơi vang vang. Khép cửa buồng, tôi lần mò ra ngòai boong vì tò mò muốn biết họ chơi gì. Và tôi lấy làm ngạc nhiên khi thấy có một trò chơi kia rất thú vị   có thể kết nối mọi thanh niên Anh, Mỹ, Pháp,Israel ...

Vào lúc 5 giờ sáng ngày 17-2 vừa rồi, con tàu du lịch của công ty Trường Hải nghe nói đã chìm xuống biển trong vòng 1 phút ! Theo lời kể, thủy thủ đòan phát hiện "vỏ tàu bị bung"và thông báo khẩn cấp nhưng không kịp trở tay  ! Nhiều du khách trẻ,  sau một đêm chơi đùa, cười nói, la hét, vui sướng hết cỡ đã vĩnh viễn gửi lại giấc mơ cuộc đời của họ ở Hạ Long.

Lần giở ký ức của chuyến đi Hạ Long năm ngóai, tôi nhớ mình đã bị sốc khi thấy du khách đuợc cho ngủ ngay trên biển ! Truớc đó, tôi cứ tưởng tàu chở đến một hòn đảo nào đó rồi cập vào,du khách lên bờ  và được bố trí qua đêm trong những dãy nhà nghỉ. Chúng tôi còn dặn nhau, lần sau nếu có trở lại phải luôn tìm những tàu có vẻ ngòai trông mới, sau khi quan sát thấy có quá  nhiều tàu cũ kỹ ra khơi . Mỗi khi đi xa, tôi thuờng mang theo dây chuyền mặt tượng Đức Quán Thế Âm để cầu đi đường bình an. Đêm đó,  lênh đênh trên mặt biển, tôi không thể không siết nhẹ mặt tượng và cầu nguyện trước khi ngủ.

Thứ Sáu, 11 tháng 2, 2011

Série sưu tập đồ cũ 2

Ồ không ngờ tôi lại tìm ra thêm một món đồ cổ với nội dung liên quan đến mái nhà nơi tôi đã lớn lên - nơi tôi đã nên người,  nên cáo ;-) Món này làm ra vào tháng 7-2007. Dán nó vào đây, tôi mang tham vọng một ngày nào đó sẽ lại nổi hứng mà viết tiếp série này, sau đó gửi cho các chị yêu để các chị tùy nghi sử dụng. Có lẻ thân tôi không còn liên quan đến căn nhà "tuổi thơ" nữa, nhưng hồn tôi, nên buồn hay vui đây, trót vuớng lại đó một mảnh rồi.

Kỳ thực, nguời giúp tôi mạnh dạn hơn trong việc tỏ bày tiếng nói của mình là bạn Cam Ly và anh Lê Hòang. Tôi trân trọng mang ơn họ.

Và đây :

Kho tàng truyện dân gian Tuổi Trẻ"

Đăng ngày: 10:54 14-11-2007
 
Đây là ghi chép đầu tiên trong dự án "Kho tàng truyện dân gian trong Tuổi Trẻ" của tôi. Cầu Trời cho tôi kiên trì hoàn thành dự án này ! (Thỉnh thoảng, tôi sẽ viết, và tôi gửi xen kẽ trong các entry của mình. Bao giờ tích góp được kha khá, tôi sẽ dựng cho chúng một căn nhà riêng. )

Chị Kim Phi trong lần dự Đại hội cổ đông TK 21 gần nhất đã ngồi cạnh tôi. Cứ mỗi lần hai người thân yêu cũ gặp lại thì có rất nhiều chuyện để nói. Lần đó, nhân anh Đỗ Gia Khởi đứng dậy phát biểu trong đại hội và nhỏ Phương Thảo ngồi sau hỏi "Anh đó là ai vậy chị ?", chị Phi đã kể lại một chuyện "tếu lâm Tuổi Trẻ" giữa anh Khởi và anh Ba Lãng :

- Anh Ba Lãng và anh Khởi cá cược với nhau : ai chạy xe đạp từ Tuổi Trẻ (trụ sở xưa) đến cầu Hóa An đúng với hoặc trước số giờ (ngắn nhất) mà mình nêu ra sẽ thắng. Bởi anh Khởi là người Biên Hòa và anh hay khoe "Mỗi ngày tôi chạy xe đạp từ cơ quan về cầu Hóa An mất 1g 30 phút" nên mới có cuộc cá cược này.

Anh Ba Lãng nói : "Ông chạy quá chậm. Tôi có thể đạp xe từ cơ quan về cầu Hóa An trong vòng 1 g 15 phút". Cả hai anh đồng ý "bắt độ" với nhau.

 Anh Ba Lãng đi xe đạp mini. Anh đã gò lưng mướt mồ hôi đạp chiếc mini ấy từ trụ sở cũ của cơ quan đến cầu Hóa An trong vòng đúng 1g 15 phút. Nhưng đến lúc xuống dốc cầu, do quá mệt, anh Ba Lãng và chiếc xe của anh lộn vòng lông lốc. Tới lúc dựng xe và lồm cồm ngồi dậy được thì đã quá giờ.

Nhỏ Phương Thảo ngồi sau hỏi : "Chuyện THIỆT đó hả chị ?". Chị Phi : "Chuyện thiệt !".

Tôi ghi lại đây để chuẩn bị cho dự án mà mình ấp ủ. Hôm trước bàn với chị Thọ, tôi đã nói phải hành động nhanh vì thấy các anh chị lớp bệnh lớp ra đi, những người còn khỏe mạnh thì trong trí nhớ cũng phai nhạt dần những câu chuyện thuộc về "kho tàng truyện dân gian của Tuổi Trẻ". Nhớ hồi xưa lúc mới vào đây, ngày nào tôi cũng được cười no nê nhờ "uống" những dòng sữa chuyện tình người như thế này. Hôm đi dự Đại hội Cổ đông, chị Phi và tôi sau khi nhắc lại chuyện anh Khởi - anh Ba đã nhìn nhau ngậm ngùi :"Càng lúc, mình càng quên nhiều !".

Vài tháng sau ngày tôi và chị Phi thân yêu "tám" cùng nhau, tôi chưng hửng đọc thông báo dán trong thang máy : Anh Đỗ Gia Khởi (tự Chín Cưng), cựu cán bộ Tuổi Trẻ, Cty thế kỷ 21 .... đã qua đời ngày ....

Série sưu tập đồ cũ 1

Tôi thật là một kẻ cẩu thả. Tôi chế biến món ăn rồi trây trét tùm lum. Hihi. Nói cho có vẻ ghê, chứ tôi muốn nói "Tôi tạo tác đồ nghệ thuật rồi vứt chúng lung tung do thiếu tự tin". Tôi vứt lung tung, nay ở blog này, mốt ở blog nọ. Trong mỗi blog lại còn hơn 2/3 entry được nhốt rất là kỹ nữa chứ , cũng vì cái sự không tự tin ấy.

Tôi là một kẻ đi tự chữa bệnh suốt đời, trong đó có căn bệnh nhút nhát trầm kha, nên nay quyết định nhặt nhạnh đồ cũ vứt lung tung về và dành cho nó một vị trí trang trọng chẳng kém cạnh các em sinh sau đẻ muộn. Vì mới nhặt về nên đồ cũ được đưa ra ở chỗ gần nhất, nhưng xin biết cho, "người" đã có tuổi lắm rồi !

Hồi ấy, chị Thủy Cúc, tên trong giấy khai sinh là HT, người rất tâm huyết với sự nghiệp Tuổi Trẻ có ý định đặt hàng các cựu CBNV viết những câu chuyện đã làm nên TT. Tôi, một kẻ ham vui, lại đặc biệt ưa thích những chuyện  "ngòai luồng", nhìn thóang qua thì nhiều tính hài huớc, ít tính nghiêm túc,nhưng nhìn đăm đăm sẽ thấy trong đó chứa chẳng ít ý nghĩa nhân văn. Có điều tôi mau nản chí nên bây giờ lục kho đồ cũ mới thấy những mẩu chuyện mình sưu tầm rất hẻo. Phần lớn những gì nằm trong trí nhớ đã cùn theo trí nhớ. Ôi thôi, có lẽ trí nhớ con người là một trong số những vật vô thuờng nhất !

Vì vậy nên tôi lật đật copy-paste vào đây để lưu làm tư liệu một bộ đồ khá cổ, được viết ra trong một ngày tháng 4-2008 trong một chiều tâm trạng khá nặng nề. Bạn biết đấy, khi ngừoi buồn ép mình vui thì sẽ thế nào ? Cho ra cái gì đó vô duyên lắm, phải không ? Cái gì đó, nó là đây :

Truyện dân gian Tuổi Trẻ (ghi lại lời kể của chị Lê Thị Cúc)

Đăng ngày: 11:07 13-04-2008


 
Câu chuyện này mình lượm lặt được trong một hoàn cảnh không có gì hứng khởi. Đó là một chiều Chủ nhật mà tất cả những "nội dung" trong mình đều nhạt như nước ốc. Như mọi ngày, mặt sếp mình eo sèo. Mình chán đời và thấy kiếp sống này chẳng khác chi  kiếp bèo. Thế rồi chân đưa bèo mình tới một chỗ đông người (2 người) cốt cho đầu óc  thư giản và lòng nhẹ nhàng hơn . Được mời ăn bánh tự do, đi vòng vòng trong phòng nhìn ngắm các bộ sưu tập đồ chơi, nói chuyện đẩy đưa, bóc con heo vàng trên bàn em Ve , mà thấy đầu óc quả phấn chấn hơn chút . Canh cánh bên lòng vụ "dự án truyện Dân gian", mình  gợi ý chị LTC nhắc lại giùm cho mấy "chuyện xưa".Vì mình nhớ, cái bà chị này từng kể mình nghe một tỷ chuyện hồi mình mới chân ướt chân ráo vào TT - tức hơn 20 năm trước. (Nêu con số này lên mà thấy kiếp sống quả như bèo và bèo này đã già quá sức già.)

 Như chuyện anh Biên Hồ và anh Năm uýnh nhau chẳng hạn. Chuyện này chị Cúc  từng kể mình nghe cách đây 21 năm nhưng mình chỉ còn nhớ lờ mờ. Không có gì hết. Chỉ là chuyện hai ông đánh nhau. Một người tên Biên Hồ, một người là anh Năm- còn gọi "Năm Mini". Phàm là dân TT hồi còn thắt lưng buộc bụng, nghe hai cái tên này sẽ biết ngay đó là ai với ai. Thôi, mình làm nhiệm vụ ghi âm lời chị Cúc đây.

(Lời chị Cúc :) " Hồi đó mình mới vô làm được vài ngày. Đang ngồi họp cơ quan bỗng dưng nghe giọng anh Năm ré lên rất to. Ra là anh Biên Hồ và anh Năm uýnh nhau. Mà hình như là anh Biên Hồ uýnh trước. Mọi người phải nhào vô can. Sau đó, họp ra, anh Biên Hồ đang tiếp khách. Anh Năm từ xa đi lửng thửng tới gần anh kia với bộ dạng hiền lành, giống như "không có chuyện gì hết nữa". Nhưng khi tới sát bên, anh Năm giáng anh Biên Hồ một cú. Hai ông lại nhào vô uýnh nhau. Anh Biên Hồ vừa uýnh vừa la :"Tao uýnh, mày la như đàn bà hả ?". Lúc đó, chị Kim Hạnh  chạy từ trên lầu xuống la "Không cho ai làm việc hết hả ?".

Các anh khác sau khi tách hai người ra được rồi bèn dặn nhau "Can được rồi. Trong cơ quan chú ý, đừng cho hai cha này sáp lại gần nhau nữa nhe". Nhưng liền khi ấy ,  có người bỗng nhớ ra : "Ê ! Tụi nó ở chung nhà với nhau !". (Hai anh BH và NĐ hồi đó ở chung nhà tập thể đường ĐBP với nhau)"

Mình đã lăn ra mà haha. Nếu thi hành  nhiệm vụ viết dự án này mà cứ được cười ha hả như vầy thì cũng đáng.

Chị LTC bắt sang chuyện khác: "Hồi đó mình mới vô làm được vài ngày. Trong vài ngày đó, mình thấy toàn những chuyện gây sốc. Đầu tiên là anh Mạnh Tường (anh Mạnh Tường là một người rất giỏi ngoại ngữ, thân anh to đùng, nhưng anh không đi lại được như người bình thường mà phải chống nạng. Anh tự chế một chiếc xe dành cho người tàn tật, chạy bằng xăng hẳn hoi. Hồi đó mà có "xe chạy bằng xăng " là xịn lắm) . Tự dưng mình thấy có một ông như thế vào nói "Em kia, ra nhờ một chút coi !". Té ra là xe ổng bị trục trặc , phải nhờ người đẩy một chút mới khởi động được. Mình đẩy xe cho anh Mạnh Tường xong trở vào văn phòng chưa được bao lâu lại thấy anh Nguyễn Văn Vinh đi chân thấp chân cao vào. Sau đó tới phiên anh Ba Lãng xuất hiện (anh Ba là người cực tài nhưng chẳng may mắc bệnh khiến sự đẹp trai của anh bị ảnh hưởng nặng nề). Ảnh hỏi " Em thấy sao ?" (ý muốn nói "em thấy làm việc ở đây có được không?").

" "Buổi chiều, chị Thanh Mai gặp mình hỏi thăm xem mình có ổn không. Mình trả lời, mới vô mà đã thấy ba ông như vậy rồi, sợ quá, không biết còn ai vậy nữa không. Chị Thanh Mai bèn nói "Nhiêu đó hết rồi !".

Hết rồi. Những ngày xưa yêu dấu đã qua lâu lắm rồi. Như con tàu đã ra khỏi tầm mắt của mình, kể từ một ngày cuối năm 2004.

Thứ Ba, 8 tháng 2, 2011

SÁNG MỒNG SÁU

Sáng mồng 6, nhân chút chuyện phải giải quyết trong Chợ Lớn, tôi đảo xe một vòng xem người Hoa đặt dấu ấn gì trong ngày được chọn là ngày lành để khai trương của năm nay.

Trên đường THĐ, tiếng trống bùng xèng nghe từ xa khiến tôi ngỡ có múa lân đằng trước. Đến chừng chạy xe ngang mới thấy trước nhà nọ, một ông thầy cúng trong chiếc áo thùng thình màu vàng đang vừa múa vừa bước tới bước lui trước một bàn hương án. Cách ông tới, lui  khiến tôi liên tưởng đến điệu hồ quảng (tạm thời quên tên) coi hồi nhỏ, diễn tả sự suy tính của đức ngài Khổng Minh trước một trận đồ. Quả là đặc thù của người Hoa vì ở địa phận của người Sài Gòn, hình như tôi chưa thấy những thầy cúng công khai họat động ngay mặt tiền đường như thế này bao giờ. 

Vòng qua đường NT, tôi lại thấy nguời ta bày bán cả một dãy phố bánh tổ,  giấy và hoa vàng bạc, nhang đèn… chắc là dành cho việc khai trương. Vốn là dân ngụ cư khu trung tâm Sài Gòn và đã lâu lắm không đi vào Chợ Lớn dịp Tết, tôi tha hồ tròn mắt trước màu sắc sặc sỡ của hàng bánh trái, giống như ở đây, người ta đang “tết” lần nữa. Dĩ nhiên, khai trương công ty không thiếu những màn múa Lân sư rồng nên một chốc sau, xe tôi băng ngang một khu vực khá kẹt xe do người dân bu xem một màn biểu diễn lân sư rồng trước mặt tiền khá hòanh tráng của một công ty.

Sực nhớ mình còn thiếu một đôi giày thể thao, tôi lại quành vào đường THĐ nhưng tiếc thay, cửa hàng quen thuộc của tôi vẫn  cửa chốt then cài. Bù lại, tôi phát hiện một hàng quán khá lạ nên vội vàng cài phanh và quyết định cho xe lên lề. Trong chiếc tủ kiếng mặt tiền, những chiếc ly đủ màu sắc xếp thành hàng vui nhộn ra phết. Trong cửa hàng, những em phục vụ trẻ măng mặt đồng phục áo đỏ tạo nên bầu không khí rất ư là Trung Hoa. Thì ra quán ấy bán rau câu với hơn một chục mùi rất vui. Tôi quyết định mua một lèo 5 ly để mang về từ từ thưởng thức : mùi hồng trà, mùi hạnh nhân, mùi flan, mùi táo, mùi caramel sữa. Em gái nhận đơn đặt hàng của tôi  nói bằng tiếng Hoa với em trai lấy hàng , nghe như “Dách muối Hồng Trà, dách muối … v.v…” ngộ ngộ tai. Tôi thấy  mình như đang đứng trong một phim Hồng Kông, quán Hồng Kông và đóng vai người mua hàng với những diễn viên Trung Quốc. Kể ra thì đúng là ham vui, nhưng nhờ ham vui như vậy mà một chuyện có thể không là gì đối vói kẻ khác cũng khiến mình tủm tĩm nhiều giờ.

Và đây là hàng ly rau câu tôi đã ruớc về. Trong vài tiếng đồng hồ sau đó, có 3 ly đã biến thành “rau câu thiên cổ” : 



Thứ Năm, 3 tháng 2, 2011

TRANH THỦY MẶC MÙA XUÂN

Vậy là  ngày mồng một đã trôi qua. Một người bạn nói rất đúng : người ta chỉ vui trong những ngày chuẩn bị Tết. Chứ qua Giao thừa rồi, kể như Tết đã xong.

Mà cũng ngộ ! Tết đã xong. Vậy sao cứ hâm nóng Tết qua từng năm ? Giống như có một nồi thịt kho, cứ hâm đi hâm lại hòai. Giống như trên Thiên Đình sống một ngày bằng hạ giới sống cả năm. Thế rồi người trên Thiên Đình cứ mang nồi thịt (!) đi hâm mỗi ngày. Họ nhìn vào nồi mà chán chết. Trong khi đó, ngùơi hạ giới lại lăng xăng ngỡ Tết là  điều gì ghê gớm lắm.

Cùng là Tết, nhưng tâm trạng mỗi người nhìn vào Tết mỗi khác. Cùng một ngùoi mà tâm trạng lúc hào hứng, lúc chán chường. Cùng một cảnh vật, hôm nay ta nhìn vào thấy thế này, ngày mai nhìn vào ta lại thấy khác.Kỳ thực, cảnh không thay đổi, chỉ có con nguời bày đặt mang vào kính hồng hay kính xám.

Còn mùa Xuân, sao lại mang vào kính xám ? Có khi chỉ vì một lời nói vu vơ nào đó, sao thấy nặng trĩu trong lòng ?Nguời nói ra chắc đã quên béng. Sao lại mang câu nói ấy hâm đi hâm lại như hâm một nồi thịt quá nhiều mỡ?

Hôm qua mới lập quyết tâm đừng ngã lòng.Hôm nay thấy quyết tâm càng rắn đanh hơn. Kỳ thực chỉ cần thả lỏng, chẳng suy nghĩ gì, cho tâm mềm như bông, ai nói gì mặc ai.

Mà tại sao không nói với nhau tòan những lời hồng ? Tại sao không nghĩ về nhau một cách giản đơn ? Mà tại sao lại phải cần lên tiếng ?


Giao thừa đã qua. Mùa Xuân lại càng qua lâu hơn. Kể cả mùa Hạ chói chang cũng sắp tàn. Những chiếc lá bắt đầu ửng vàng trên cây.Đến chừng nào lá vàng rực hết cả khu vườn, ấy là lúc cảnh vật đẹp nhất  dù chỉ tồn tại trong khỏanh khắc.


Chủ Nhật, 30 tháng 1, 2011

NẮM TAY DỊU DÀNG

"Dì !!!" . Đứa bé gọi với giọng tha thiết. Âm thanh ấy cất lên từ phía cuối phòng. Tôi chưa thấy bé mà bé đã thây tôi. Giống như từ lâu, bé đã chờ ở đó, nhẫn nại. Nụ cười bé tươi và bé hay cười,   hào phóng ban phát sự vui vẻ cho mọi khách đến thăm.

Chúng tôi đã có một buổi sáng mang quà đến thăm người già lang thang, neo đơn tại quận 8 và giờ là trẻ khuyết tật ở Thị Nghè. Chúng tôi bước vào nhiều gian phòng rộng, ở đó có hàng hàng lối lối những chiếc nôi , trên mỗi nôi có một em bé quặt quẹo, mỗi đầu nôi có đính  tấm biển nhỏ cho biết "bé" sinh năm nào. Chúng tôi ngọeo đầu để đọc và kinh ngạc khi biết những con người mang cơ thể của trẻ lên 6,7 kia đã nằm ở đó hàng 12,14, 16 năm ! Những gương mặt ngây dại vì não úng thủy, có kẻ quật tay liên hồi vào thành nôi, nguời luôn nằm với tư thế ép cẳng chân vào mình, có nguời chỉ nhúc nha nhúc nhích, và phần lớn bất động với đôi mắt mở to . Nhìn từ xa, hàng hàng lối lối những chiếc nôi trông như những chiếc lồng nhỏ nuôi những sinh vật nhích từng bước chậm chạp trong một không gian chật hẹp. Các em sống, kéo dài đời thực vật. Hầu hết không biểu lộ chút gì  hành vi con nguời, chỉ khỏang 2 em là bíet vẫy tay.

Vậy mà vừa xuất hiện ở ngưỡng cửa phòng này, tôi đã nghe tiếng "Dì!!!" tha thiết vang dài. Tôi bỏ giày, băng qua những chiếc nôi có những con người im lìm bất động để tới thẳng chỗ bé gái.  Và tôi thấy bé ngồi. Rất hiếm những bé có thể ngồi.

Bé ngồi, và hơn thế, giữ rịt bằng hai tay một cuốn truyện tranh thiếu nhi tiếng nước ngòai, với giấy rất cứng và màu rất tươi. Bé cầm lộn ngược quyển sách khiến gương mặt chú thỏ trong đó bị lộn nguợc, và bé trông rất vui. Tôi tách những búp tay của đứa trẻ để giúp bé đảo  lại chiều sách cho đúng. Trong khi  lấy sách ra, tôi nắm tay bé lúc lắc . Bé nhõen cái miệng sữa của mình và bé kêu, tha thiết : "Dì !!!".

Mùa Trung thu vừa rồi, tôi theo nhóm bạn đến Tịnh xá Lục Xuyên ở quận Bình Tân thăm trẻ mồ côi do các sư cô nuôi dưỡng. Một đứa bé chúng tôi từng biết mặt khi còn ẳm ngửa bữa ấy đã buớc đi khá vững . Bé có gương mặt bậm trợn,  tính cách mạnh mẽ khá ngộ nghĩnh và bé lăn vào lòng tôi, kẻ có "một tỷ" trò chơi cho trẻ con. Đến đỉnh điểm của sự hứng thú, bé ôm tôi và gọi "Mẹ !".

Có rất nhiều trẻ mồ côi nơi chúng tôi  từng ghé qua đều thể hiện khát vọng tình thương qua hành động của mình. Một hành động có thể là mềm yếu, ví dụ như đứng chết trân khi bàn tay tôi lùa vào tóc bé. Một hành động có thể bị ai đó gọi là "lì lợm" khi nhất quýet không chịu mang dép hầu mong tôi "thấy tội" vì bé mang chân không mà bế lên. Một hành động giống như van xin khi đằng sau  song cửa, bé vuơn tay ra mong ai đó hãy nắm lấy tay mình và hãy giữ cho lâu.

Trong số hàng mấy trăm bé bại não đuợc Trung tâm bảo trợ khuyết tật nuôi dưỡng, đã có khỏang chục em may mắn biểu lộ phản ứng nhận bíet nên được đưa vào "lớp Phục hồi 2". Bé gái biết ngồi  gọi "Dì!" như  thông điệp đầu tiên của "con người nhận biết" là  mong muốn tình thương.

Bạn có nghĩ bên cạnh những món quà thường nhật ngùoi hảo tâm hay mang đến các cơ sở tình thương nên có thêm những cái nắm tay?  Có lẽ thanh niên phương Tây trong những tổ chức tình nguyện hiểu rõ điều này nên không ít lần tôi thấy họ vào viện nuôi người già lang thang ở nước ta, ngồi rất lâu bên một cụ nào đó, không biết  nói tiếng Việt  mà chỉ làm mỗi  việc là  nắm lấy tay cụ. Và cho dù buổi hòang hôn đã tạc  sâu trên khóe mắt, làn môi, nguời già ấy cũng lặng im, đôi mắt u buồn dịu lại. Còn khi ta nắm tay trẻ thơ,  gương mặt thiên thần kia sẽ nở bừng tặng ta một đóa sen hồng ?

Thứ Năm, 20 tháng 1, 2011

VÔ THANH


Tôi cố tình đợi buổi khuya Sài Gòn hầu xem một Sài Gòn khuya có thể yên tĩnh đến độ nào. Vào lúc kim chỉ giờ nhích  qua  số 11, những âm thanh vang động giẫm đè, đan chặt vào nhau của ban ngày trở nên mỏng tang. Trên nền mịt mù của bóng đêm, tôi nhận biết tiếng xe cộ rú  từng chập dưới phố, tiếng rì rầm của tivi hàng xóm, tiếng bước chân nguời thỉnh thỏang phía cầu thang. Có tiếng kèn, tiếng bình bịch, tiếng ình ịch, tiếng người cười vang và tiếng ai đó nói lớn tiếng ... Có cả tiếng hát của một người ... và tiếng máy đào đường xa xa.. Giống như trên một tấm phông màu đen, ai đó quệt lên nhiều họa tiết tím đỏ xanh vàng một cách lôn xộn và hòan tòan thiếu vắng ý thức nghệ thuật. Vậy đó, Sài Gòn buổi khuya vẫn dội  trong lòng  nó nhiều âm thanh, cái nguời ta luôn gọi là "âm thanh cuộc sống".

Tôi đợi Sài Gòn khuya vì tôi đang nhớ lại một nơi gần như không âm thanh. Nơi đó, bao bọc tứ bề là những rặng tre xanh ngắt. Thân tre cao vút, châu ngọn vào nhau tò mò nhìn xuống một nhóm người kỳ lạ.  Vừa bứơc xuống xe,  họ đã  nhìn vào con đường râm mát ngay sau khung cổng với vẻ thán phục. Nhóm người bước vào, khám phá mọi ngóc ngách làng tre với nỗi háo hức trẻ thơ. Khi nhìn những lá khô vàng chao lượn trong không trung , họ công nhận đạo diễn  Lý An tài tình khi ví lá tre như những ngọn phi đao trong phim Thập diện mai phục.  Họ nói cuời tự nhiên tận hưởng phút giây hiện tại. Nhưng có lúc họ ngồi bệt trên thảm lá tre khô thành hình vòng tròn chỉ để  yên lặng. Mãi sau, có người nói họ nghe tiếng gió xào xạc, tiếng chim gù từ hai đầu nam - bắc. Họ cố gắng lắng nghe thêm và phát hiện thêm một vài âm thanh rời rạc. Ở làng tre ấy  không nhiều "âm thanh cuộc sống"  ! Có lúc, họ không nghe cả tiếng gió đùa qua  ngọn cây hoặc tiếng chim.

Có lúc là yên lặng tuyệt đối, hình như có người nói vậy. Nhưng vào lúc đó, tôi lại nghe ra thứ âm thanh của không- âm- thanh. Thử hình dung, ta buông thính lực đi theo chiều cao rộng của không gian, nhưng trong lòng một thành phố náo động, "tầm nghe" của ta bị chặn lại bởi quá nhiều âm thanh sát gần, ken dày , vây quanh ta như một bức màn  khó lòng bị chọc thủng. Nhưng giữa nơi chỉ tòan tre và tre,   tiếng chim hót thưa thớt  và tiếng chạm nhau dịu dàng giữa gió và cây  ,  "tầm nghe" của ta không khó được giải phóng và lập tức,  kết nối với trời đất.

Vào lúc đó, tôi nói tôi sợ. Vì âm thanh mênh mông của kích chiều Dài Rộng vô tận khiến tôi trong phút chốc nhận biết mình chỉ là một sự hiện hữu vô cùng nhỏ bé. Nhỏ đến  nỗi, có thể theo gió mà bị thổi tung. Nhỏ đến nỗi tôi chỉ còn cách trao mình cho số phận và tạo hóa. Vậy đó, trong âm thanh muôn trùng của cái "vô âm thanh", tôi nghe ra những định mệnh dập duềnh trên sóng nước, xoay tròn, hội tụ rồi tan tác. Có vẻ như đó mới chính là âm thanh đích thực của thế giới mà  thường ngày, nó đã bị chặn đi, không đến đuợc tai tôi do "bức màn âm thanh cuộc sống" .


Bạn tôi ắt sẽ bác đi  cách cảm nhận tiêu cực bất chợt này của tôi. Vì lẽ ra, chỉ nên ngồi xếp bằng trên thảm lá tre để lắng nghe hơi thở của con người  hòa cùng nhịp thở của đất trời . Để những "tiểu vũ trụ" hòa vào "đại vũ trụ" mênh mông một cách đủ đầy, viên mãn. Để an định tâm hồn và vững bước chân đi, để tự tin, mạnh mẽ, như những phuơng pháp an định giúp con người kiên cuờng hơn vẫn hướng dẫn.

Sài Gòn về khuya lại càng nổi rõ từng luồng xe gầm gào và tiếng kim lọai va đập chan chát trên mặt đuờng. Ở chốn này, những âm thanh cuộc sống không ngừng che lấp thứ âm thanh đích thực của muôn trùng.  Bỗng dưng một lần nghe ra âm thanh của không -âm-thanh khiến tôi bất thần chông chênh. Và vì tôi vẫn chưa ngồi xuống và chưa muốn một mình, tôi thấy mình cần một bàn tay.

Thứ Bảy, 15 tháng 1, 2011

Buồn buồn viết chơi

Dạo bước trên mạng, tôi tình cờ nhận ra một quán cũ của mình. Quán ấy gắn liền một thời giông tố của tôi nên nhìn nó, tôi ứa nước mắt. Tivi đang phát chương trình nhạc chào Xuân nên tôi buồn buồn viết chơi bài này :

HÁT

Hôm nay là mùa Xuân.
Hãy nói với tôi mùa xuân rất vui,
Nói với tôi Đông trôi xa vời vợi
và nguời người đang cùng nhau đón Tết.

Nói với tôi  nụ cười nào mới nở
dưới những rặng cây đậm bóng xòe
Trên ghế đá tôi ngân nga tiếng hát
Hát một mình, hát vu vơ.

Nói mỗi sáng lại mọc lên ngày mới
Và buổi trưa còn xa mới bắt đầu
Những  tượng  đá đã không còn câm nữa
Nên âm nhạc đã vang lừng, bay xa.

Nói rằng tôi đánh mất ngày qua
Nhưng hôm nay trời đã  sáng trong rồi
Nói người không xa, không gì xa cả
Xòe bàn tay nào, một ánh mắt thiết tha