Một cuộc gặp gỡ đã làm thay đổi suy nghĩ của tôi về độ giới hạn của con người. Đó là cuộc gặp gỡ với chị Anna Moi.
Ngày ấy, tôi tìm chị để viết bài về nữ nhà văn Pháp gốc Việt vừa được phong tặng danh hiệu Hiệp sĩ văn hóa của Pháp. Tôi quen chị. Sau buổi làm việc chính thức đã có một số cuộc cà phơ cà pháo. Ngoài những thông tin tôi đăng trên báo, chị đã kể tôi nghe nhiều việc khác gắn liền với cuộc đời của chị. Tôi đã được chị tặng sách và đã đọc .
Anna Moi là nhà văn thường xuyên được mời đi đông đi tây giao lưu với các nhà văn quốc tế. Vậy mà, chị làm tôi kinh ngạc khi biết rằng sự nghiệp cầm bút của chị chỉ bắt đầu từ khi chị trở lại thăm quê ở tuổi trên 40. Anna sang Pháp du học lúc 16 tuổi và phải hơn 25 năm sau chị mới lần đầu trở về VN. Cảm xúc ấy bồi hồi và dâng trào tới nỗi chị phải để tuôn ra trên bàn phím. Vậy là đã ra đời nhà văn Anna Moi với nhiều tác phẩm được giới phê bình văn học Pháp đánh giá cao.
Rồi chị thổ lộ cho tôi thêm một "bí mật" : cũng tại VN, chị bắt đầu học thanh nhạc ỏ ở tuổi 43. Sau 4 năm ròng rã luyện thanh với một nữ giảng viên Nhạc viện, chị được mời tham gia vào đội hình hợp xướng của Nhạc viện TP HCM mỗi khi có công diễn.
Câu chuyện của chị đã làm tôi suy nghĩ. Trước đó, tôi luôn cho rằng có nhiều việc đã muộn để có thể khởi sự. Chẳng hạn như học đàn piano là nỗi khát khao tội nghiệp của tôi trong những ngày còn thơ và kể cả khi vừa mới đặt chân vào đời. Khi đã có điều kiện để mua một cây đàn, tôi đã đi tới nửa đời người. Nỗi e ngại cho sức khỏe, cho trái tim khiến tôi cứ ngại ngần.
Chị Anna Moi là một tấm gương cho tôi thấy cuộc đời còn có nhiều việc đáng để thử và để vui hơn rất nhiều.