Hôm nay, nhân dịp rà sóat một xấp tài liệu mà tôi trân quí tới mức đem cất vào két sắt, tôi phát hiện một đọan tản văn tôi viết năm (gần) 10 tuổi. So sánh với năng lực viết của một cô bé mười tuổi mà hiện tôi đang đi họp phụ huynh giùm , tôi công nhận chữ viết của mình lúc 10 tuổi trông xinh, và văn vẻ cũng hay ra phết. Trong đọan tản văn đó, tôi xưng "em". "Em" 10 tủôi thời ấy đã biết đến Phạm Duy. "Em" víet : "... Phạm Duy và vô số nhạc sĩ khác viết rằng tuổi 13 là tuổi mộng mơ. Nhưng em đây mới 10 tuổi đã mộng mơ là làm sao ?...". Dễ thương quá, phải không ?
Sau đó, tôi lại phát hiện mấy trang nhật ký tôi viết năm 14 tuổi, trong năm đầu tiên mẹ tôi qua đời. Lúc đó, tôi nghỉ học một năm vì buồn chán. Ở nhà ngòai giờ đi học thêu, đàn đúm với bạn bè hàng xóm, tôi giải khoây bằng cách mua mấy cục mực tím, chế nước sôi vào cho mực hòa tan rồi chấm bút viết. Tôi nhớ mình đã nghĩ ra hàng tá truyện dài kỳ, và có lẽ nội dung không đến nỗi tệ vì có một thằng bạn hàng xóm cứ là canh tôi viết đuợc trang nào thì giằng ngay trang ấy.Báo hại tôi phải gồng mình sáng tác như vũ bão để phục vụ cho thằng độc giả ái mộ mình ấy. Tiếc thay, những cuốn truyện đó, cũng như "quyển tạp chí" tôi "thi công" từ A đến Z năm học lớp 5 rồi đưa cho Mẹ tôi nhận xét, tất cả có lẽ đã đi vào sọt ve chai hay tan thành tro bụi để nhóm lên ngọn lửa trong lò bếp . Nếu nay còn giữ, đọc lại, tôi nghĩ chắc tôi sẽ phát hiện nhiều điều hay ho lắm. Chẳng hạn, nhờ mấy trang nhật ký con con năm 14 tuổi, tôi biết rằng thuở ấy người ta có thể mua mực với giá 1 đồng bạc. Mà đó là trước 2 kỳ đổi tiền. Có nghĩa là sau 2 lần đổi tiền, 1 đồng đó đã biến thành 1 xu thời nay.
Cách đây nhiều năm, một chị nhà văn là bạn thân khuyên tôi nên cất giữ tất cả những gì mình viết ra dù khi ấy chưa trọn vẹn, như một truyện ngắn hay tản văn dang dở nào đó, cất cho kỹ "vì mai mốt giở lại sẽ thấy nhiều điều hay lắm. Đó có thể là những ý tưởng mà mình sẽ chẳng bao giờ còn nghĩ đựoc do tuổi càng già người ta càng kém tươi mới. Hoặc là những tư liệu mà nếu không lưu , mình sẽ chẳng tài nào nhớ nỗi". Người nói ra câu đó đã khỏang 20 năm rồi. Nghe lời người, tôi có ý thức giữ lại một số, nhưng cũng "hủy họai" vô kể. Nhất là không giữ lại những bài báo mình viết. Những bài viết trong thời kỳ đầu, hăm hở, trẻ trung đánh dấu những tháng ngày hồn nhiên, sáng trong tuyệt đối.
Chiều hôm qua, khi đi ngang một cái cây đang trút lá vàng ào ạt trong công viên, tôi đã sựng lại và ngước lên nhìn, ngẩn ngơ khi thấy những cành cây khẳng khiu đang co lại tất cả nhựa sống. Mùa thu đã tới ở nhiều nơi, nhưng nơi tôi ở làm gì có thu sang ! Những lọai cây mọc ở vùng nhiệt đới xanh lá quanh năm, không có thói quen trút hết lá để đi ngủ trọn vẹn vào mùa đông như tôi đã thấy ở nước Pháp. Vậy mà cái cây này, hắn cứ trút lá thỏai mái làm thành một đọan thảm lá vàng khô ngọan mục trong công viên nhiệt đới, ngang nhiên sống theo luật lệ của riêng mình bên cạnh hàng tá những cây xanh um cạnh đó. Tôi tìm nhưng không thấy bản đề tên cây. Tôi đặt cho nó những cái tên : Cây Ôn đới, Cây Lille, gọi là Lille vì ở Lille tháng 10 năm 2004, tôi giẫm mỗi ngày lên thảm lá vàng êm ái trong công viên để đến trường báo chí. Cái cây này trút lá, trút vào tôi những kỹ niệm tuyệt vời của nhũng tháng trời "được làm người nước Pháp" không biết bao giờ mới tìm lại.
Đây, tôi vừa viết để lưu lại cảm xúc của mình nhân một chiều thu 2010. Cái này là để nhiều năm sau đọc lại. Chữ viết là một phát minh vĩ đại của lòai người. Nó giúp đỡ rất nhìêu cho những trí nhớ hữu hạn. Nó giúp nguời chủ của mình giải bày tâm trạng. Nếu thật sự làm chủ được con chữ, người ta có thể tạo ra tác phẩm ghê hồn nào đó. Tôi thì chắc còn lâu mới làm đuợc tác gia cỡ ấy. Nhưng con chữ chí ít cũng có thể và thật sự là đã trở thành một nguời bạn của tôi. Những lúc tôi một mình tìm kiếm và tình cờ phát hiện một niềm giải khoây Trời ban tặng. Tôi của 10 tuổi, 14 tuổi và bao nhiêu tuổi nữa có khác nhau gì !
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét