Trang

Chủ Nhật, 30 tháng 1, 2011

NẮM TAY DỊU DÀNG

"Dì !!!" . Đứa bé gọi với giọng tha thiết. Âm thanh ấy cất lên từ phía cuối phòng. Tôi chưa thấy bé mà bé đã thây tôi. Giống như từ lâu, bé đã chờ ở đó, nhẫn nại. Nụ cười bé tươi và bé hay cười,   hào phóng ban phát sự vui vẻ cho mọi khách đến thăm.

Chúng tôi đã có một buổi sáng mang quà đến thăm người già lang thang, neo đơn tại quận 8 và giờ là trẻ khuyết tật ở Thị Nghè. Chúng tôi bước vào nhiều gian phòng rộng, ở đó có hàng hàng lối lối những chiếc nôi , trên mỗi nôi có một em bé quặt quẹo, mỗi đầu nôi có đính  tấm biển nhỏ cho biết "bé" sinh năm nào. Chúng tôi ngọeo đầu để đọc và kinh ngạc khi biết những con người mang cơ thể của trẻ lên 6,7 kia đã nằm ở đó hàng 12,14, 16 năm ! Những gương mặt ngây dại vì não úng thủy, có kẻ quật tay liên hồi vào thành nôi, nguời luôn nằm với tư thế ép cẳng chân vào mình, có nguời chỉ nhúc nha nhúc nhích, và phần lớn bất động với đôi mắt mở to . Nhìn từ xa, hàng hàng lối lối những chiếc nôi trông như những chiếc lồng nhỏ nuôi những sinh vật nhích từng bước chậm chạp trong một không gian chật hẹp. Các em sống, kéo dài đời thực vật. Hầu hết không biểu lộ chút gì  hành vi con nguời, chỉ khỏang 2 em là bíet vẫy tay.

Vậy mà vừa xuất hiện ở ngưỡng cửa phòng này, tôi đã nghe tiếng "Dì!!!" tha thiết vang dài. Tôi bỏ giày, băng qua những chiếc nôi có những con người im lìm bất động để tới thẳng chỗ bé gái.  Và tôi thấy bé ngồi. Rất hiếm những bé có thể ngồi.

Bé ngồi, và hơn thế, giữ rịt bằng hai tay một cuốn truyện tranh thiếu nhi tiếng nước ngòai, với giấy rất cứng và màu rất tươi. Bé cầm lộn ngược quyển sách khiến gương mặt chú thỏ trong đó bị lộn nguợc, và bé trông rất vui. Tôi tách những búp tay của đứa trẻ để giúp bé đảo  lại chiều sách cho đúng. Trong khi  lấy sách ra, tôi nắm tay bé lúc lắc . Bé nhõen cái miệng sữa của mình và bé kêu, tha thiết : "Dì !!!".

Mùa Trung thu vừa rồi, tôi theo nhóm bạn đến Tịnh xá Lục Xuyên ở quận Bình Tân thăm trẻ mồ côi do các sư cô nuôi dưỡng. Một đứa bé chúng tôi từng biết mặt khi còn ẳm ngửa bữa ấy đã buớc đi khá vững . Bé có gương mặt bậm trợn,  tính cách mạnh mẽ khá ngộ nghĩnh và bé lăn vào lòng tôi, kẻ có "một tỷ" trò chơi cho trẻ con. Đến đỉnh điểm của sự hứng thú, bé ôm tôi và gọi "Mẹ !".

Có rất nhiều trẻ mồ côi nơi chúng tôi  từng ghé qua đều thể hiện khát vọng tình thương qua hành động của mình. Một hành động có thể là mềm yếu, ví dụ như đứng chết trân khi bàn tay tôi lùa vào tóc bé. Một hành động có thể bị ai đó gọi là "lì lợm" khi nhất quýet không chịu mang dép hầu mong tôi "thấy tội" vì bé mang chân không mà bế lên. Một hành động giống như van xin khi đằng sau  song cửa, bé vuơn tay ra mong ai đó hãy nắm lấy tay mình và hãy giữ cho lâu.

Trong số hàng mấy trăm bé bại não đuợc Trung tâm bảo trợ khuyết tật nuôi dưỡng, đã có khỏang chục em may mắn biểu lộ phản ứng nhận bíet nên được đưa vào "lớp Phục hồi 2". Bé gái biết ngồi  gọi "Dì!" như  thông điệp đầu tiên của "con người nhận biết" là  mong muốn tình thương.

Bạn có nghĩ bên cạnh những món quà thường nhật ngùoi hảo tâm hay mang đến các cơ sở tình thương nên có thêm những cái nắm tay?  Có lẽ thanh niên phương Tây trong những tổ chức tình nguyện hiểu rõ điều này nên không ít lần tôi thấy họ vào viện nuôi người già lang thang ở nước ta, ngồi rất lâu bên một cụ nào đó, không biết  nói tiếng Việt  mà chỉ làm mỗi  việc là  nắm lấy tay cụ. Và cho dù buổi hòang hôn đã tạc  sâu trên khóe mắt, làn môi, nguời già ấy cũng lặng im, đôi mắt u buồn dịu lại. Còn khi ta nắm tay trẻ thơ,  gương mặt thiên thần kia sẽ nở bừng tặng ta một đóa sen hồng ?

Thứ Năm, 20 tháng 1, 2011

VÔ THANH


Tôi cố tình đợi buổi khuya Sài Gòn hầu xem một Sài Gòn khuya có thể yên tĩnh đến độ nào. Vào lúc kim chỉ giờ nhích  qua  số 11, những âm thanh vang động giẫm đè, đan chặt vào nhau của ban ngày trở nên mỏng tang. Trên nền mịt mù của bóng đêm, tôi nhận biết tiếng xe cộ rú  từng chập dưới phố, tiếng rì rầm của tivi hàng xóm, tiếng bước chân nguời thỉnh thỏang phía cầu thang. Có tiếng kèn, tiếng bình bịch, tiếng ình ịch, tiếng người cười vang và tiếng ai đó nói lớn tiếng ... Có cả tiếng hát của một người ... và tiếng máy đào đường xa xa.. Giống như trên một tấm phông màu đen, ai đó quệt lên nhiều họa tiết tím đỏ xanh vàng một cách lôn xộn và hòan tòan thiếu vắng ý thức nghệ thuật. Vậy đó, Sài Gòn buổi khuya vẫn dội  trong lòng  nó nhiều âm thanh, cái nguời ta luôn gọi là "âm thanh cuộc sống".

Tôi đợi Sài Gòn khuya vì tôi đang nhớ lại một nơi gần như không âm thanh. Nơi đó, bao bọc tứ bề là những rặng tre xanh ngắt. Thân tre cao vút, châu ngọn vào nhau tò mò nhìn xuống một nhóm người kỳ lạ.  Vừa bứơc xuống xe,  họ đã  nhìn vào con đường râm mát ngay sau khung cổng với vẻ thán phục. Nhóm người bước vào, khám phá mọi ngóc ngách làng tre với nỗi háo hức trẻ thơ. Khi nhìn những lá khô vàng chao lượn trong không trung , họ công nhận đạo diễn  Lý An tài tình khi ví lá tre như những ngọn phi đao trong phim Thập diện mai phục.  Họ nói cuời tự nhiên tận hưởng phút giây hiện tại. Nhưng có lúc họ ngồi bệt trên thảm lá tre khô thành hình vòng tròn chỉ để  yên lặng. Mãi sau, có người nói họ nghe tiếng gió xào xạc, tiếng chim gù từ hai đầu nam - bắc. Họ cố gắng lắng nghe thêm và phát hiện thêm một vài âm thanh rời rạc. Ở làng tre ấy  không nhiều "âm thanh cuộc sống"  ! Có lúc, họ không nghe cả tiếng gió đùa qua  ngọn cây hoặc tiếng chim.

Có lúc là yên lặng tuyệt đối, hình như có người nói vậy. Nhưng vào lúc đó, tôi lại nghe ra thứ âm thanh của không- âm- thanh. Thử hình dung, ta buông thính lực đi theo chiều cao rộng của không gian, nhưng trong lòng một thành phố náo động, "tầm nghe" của ta bị chặn lại bởi quá nhiều âm thanh sát gần, ken dày , vây quanh ta như một bức màn  khó lòng bị chọc thủng. Nhưng giữa nơi chỉ tòan tre và tre,   tiếng chim hót thưa thớt  và tiếng chạm nhau dịu dàng giữa gió và cây  ,  "tầm nghe" của ta không khó được giải phóng và lập tức,  kết nối với trời đất.

Vào lúc đó, tôi nói tôi sợ. Vì âm thanh mênh mông của kích chiều Dài Rộng vô tận khiến tôi trong phút chốc nhận biết mình chỉ là một sự hiện hữu vô cùng nhỏ bé. Nhỏ đến  nỗi, có thể theo gió mà bị thổi tung. Nhỏ đến nỗi tôi chỉ còn cách trao mình cho số phận và tạo hóa. Vậy đó, trong âm thanh muôn trùng của cái "vô âm thanh", tôi nghe ra những định mệnh dập duềnh trên sóng nước, xoay tròn, hội tụ rồi tan tác. Có vẻ như đó mới chính là âm thanh đích thực của thế giới mà  thường ngày, nó đã bị chặn đi, không đến đuợc tai tôi do "bức màn âm thanh cuộc sống" .


Bạn tôi ắt sẽ bác đi  cách cảm nhận tiêu cực bất chợt này của tôi. Vì lẽ ra, chỉ nên ngồi xếp bằng trên thảm lá tre để lắng nghe hơi thở của con người  hòa cùng nhịp thở của đất trời . Để những "tiểu vũ trụ" hòa vào "đại vũ trụ" mênh mông một cách đủ đầy, viên mãn. Để an định tâm hồn và vững bước chân đi, để tự tin, mạnh mẽ, như những phuơng pháp an định giúp con người kiên cuờng hơn vẫn hướng dẫn.

Sài Gòn về khuya lại càng nổi rõ từng luồng xe gầm gào và tiếng kim lọai va đập chan chát trên mặt đuờng. Ở chốn này, những âm thanh cuộc sống không ngừng che lấp thứ âm thanh đích thực của muôn trùng.  Bỗng dưng một lần nghe ra âm thanh của không -âm-thanh khiến tôi bất thần chông chênh. Và vì tôi vẫn chưa ngồi xuống và chưa muốn một mình, tôi thấy mình cần một bàn tay.

Thứ Bảy, 15 tháng 1, 2011

Buồn buồn viết chơi

Dạo bước trên mạng, tôi tình cờ nhận ra một quán cũ của mình. Quán ấy gắn liền một thời giông tố của tôi nên nhìn nó, tôi ứa nước mắt. Tivi đang phát chương trình nhạc chào Xuân nên tôi buồn buồn viết chơi bài này :

HÁT

Hôm nay là mùa Xuân.
Hãy nói với tôi mùa xuân rất vui,
Nói với tôi Đông trôi xa vời vợi
và nguời người đang cùng nhau đón Tết.

Nói với tôi  nụ cười nào mới nở
dưới những rặng cây đậm bóng xòe
Trên ghế đá tôi ngân nga tiếng hát
Hát một mình, hát vu vơ.

Nói mỗi sáng lại mọc lên ngày mới
Và buổi trưa còn xa mới bắt đầu
Những  tượng  đá đã không còn câm nữa
Nên âm nhạc đã vang lừng, bay xa.

Nói rằng tôi đánh mất ngày qua
Nhưng hôm nay trời đã  sáng trong rồi
Nói người không xa, không gì xa cả
Xòe bàn tay nào, một ánh mắt thiết tha