Trang

Thứ Ba, 15 tháng 1, 2019

COI “SONG LANG” NHỚ SÀI GÒN CỒN CÀO

(bài này viết đã lâu nhưng nay mới publish)

Câu chuyện trong « Song Lang » có thể tóm tắt như sau : « Dũng Thiên Lôi » (Liên Bỉnh Phát) là một chàng trai  có cha là nhạc công gánh hát và mẹ là đào hát. Dũng mê tất cả những gì thuộc về sân khấu cải lương nhưng phận mồ côi sớm đã đẩy cậu vào nghề đòi nợ cho một bà trùm chuyên cho vay nặng lãi (Minh Phượng đóng). Giỏi võ, điển trai, lạnh lùng, tàn nhẫn – Dũng như một cỗ máy chết chóc làm khiếp vía tất cả những kẻ trót phải vay nặng lãi mà đa số họ đều là người lao động nghèo. Ngày kia, duyên nợ đưa đẩy Dũng quen với Linh Phụng (Isaac đóng) – kép chính trong một đoàn hát mà Dũng tới đòi nợ. Số phận run rủi khiến hai chàng trai đã có một đêm thức trắng cùng nhau. Trong đêm đó, Linh Phụng đánh thức  nơi Dũng niềm mong muốn được trở lại làm  người lương thiện để thực hiện ước mơ nhạc công đàn kìm như cha mình đã từng. Dũng bỏ tiền riêng thanh toán nợ cho một gia đình có một người mẹ/người vợ vừa tự vẫn vì bị nợ quẩn bách và tuyên bố rời khỏi chốn giang hồ. Đêm anh vác cây đàn kìm đứng  trước nhà hát háo hức chờ tới giờ vào gặp trưởng đoàn để xin việc, người chồng/người cha trong gia đình nọ - do chưa biết hành động hối lỗi của Dũng - đã sát thương anh từ phía sau bằng một mũi dao. 

Thật khó có thể diễn tả được hết những xúc cảm của mình khi xem phim. Đạo diễn và người viết kịch bản (Leon Lê và chị Nguyễn Thị Minh Ngọc) gần như toàn hảo khi để ý đến từng chi tiết nhỏ tái hiện Sài Gòn của thập niên 1980. Từ chùm loa phường, những bài hát thịnh hành lúc đó (mình nhận ra  bài « Biển hát chiều nay » mà một nhỏ bạn cấp ba của mình hay hát ), trang phục, tóc tai, lối dán hình trên tường ... Những thước phim đưa mình trở ngược về ngày tháng cũ tự lúc nào không hay. Khi sân khấu trong phim đang diễn vở Mỵ Châu- Trọng Thủy , mình đồ rằng có nhiều khán giả đều  tưởng như chính mình đang ngồi trong rạp nhìn lên sân khấu. Isaac – ca sĩ/ diễn viên trẻ lấy nghệ danh « Tây » có ai ngờ ca vọng cổ và diễn tuồng quá tuyệt. Cải lương trở nên hay không ngờ trong phim « Song Lang ». Coi phim mà hơi ngẩn ngơ : “Vì sao một nền nghệ thuật xuất sắc tới vậy của cha ông lại sống khó khăn  trong thời đại bây giò?”. Vậy mà sao khi được tái dựng trong nghệ thuật thứ bảy, ta lại thấy quá hay?

Mình nhớ lại tuổi thơ. Vào thời mà Sài Gòn bị nhiều người chê là “lính Mỹ và lối sống lai căng ngập tràn”, mỗi tối cuối tuần, mình đều ngồi bên cạnh mẹ  để coi kịch hoặc cải lương trên tivi. Cả nhà ngồi bẹp trên sàn và vì người gia đình đôi khi khá đông, mình còn ngồi hẳn vào lòng của mẹ , mê mẩn củng tuồng tích suốt mấy tiếng đồng hồ mà không mỏi. 

Sau năm 1975, trong khu vực quận 5 có rạp Hào Huê có lúc là nơi dừng chân thường xuyên của đoàn Minh Tơ – một gia tộc lừng danh với sáu đời theo nghiệp hát (Thanh Tòng, Bạch Lê, Bạch Lựu, Quế Trân ….) và kịch nói (Thành Lộc, Bạch Long ….). Năm đó, đoàn Minh Tơ cứ thay phiên với đoàn Huỳnh Long … về đóng đô tại rạp Hào Huê. “Thực đơn” bấy giờ của đoàn Minh Tơ là bảy vở tuồng cải lương Hồ Quảng dựng các tuồng tích Tàu như “Bao Công xử án Quách Hòe”, “Triệu Tử Long đoạt ấu chúa”, “Thần nữ dâng ngũ linh kỳ”... Mỗi ngày đoàn diễn một vở, hết một tuần thì hết trọn bảy vở và đoàn rời đi. Tối nào, mẹ  cũng dắt mình đi coi hát và coi trọn một tuần.  Một thời gian sau, đoàn Minh Tơ quay lại rạp Hào Huê và cũng diễn đúng chừng đó vở. Mẹ của mình lại dắt mình đi coi lần hai, rồi lần ba… Coi mỗi vở làm nhiều lần, mình vẫn không thấy chán. Tâm trạng lúc nào cũng phấn khích chờ đợi được nhìn thấy   Phàn Lê Huê – Bạch Lê xuất hiện oai phong lẫm liệt với tua tua cờ phướng giắt sau lưng, với từng điệu bộ và câu thoại làm chấn động một tâm hồn thơ trẻ ….

Không chỉ mê mẩn cải lương hồ quảng của đoàn Minh Tơ, mình còn theo chân mẹ xem nhiều lần nhiều vở của những đoàn khác như “Bên cầu dệt lụa”, “Ngao sò ốc hến”, “Tiếng trống Mê Linh”, “Thái hậu Dương Vân Nga”…. Không chỉ có gia đình mình, các bạn cùng lớp đều cùng có gu xem cải lương. Khi cô Thanh Nga bị mưu sát, mình cùng các bạn lớp Bảy đã đi bộ từ khu vực Chợ Quán  quận 5 đến đường Tú Xương quận 3 để hòa cùng dòng nguoi xếp hàng viếng cô lần cuối với tâm trạng như có gì mất mát. 

Cũng năm lớp Bảy, thầy giáo Nhạc cho phép “những học sinh tự thấy mình không cần học cũng hiểu bài có thể vắng mặt, miễn dự kiểm tra đầy đủ”. Vậy là một nhóm chúng mình tranh thủ sự dễ dãi của Thầy để liều mạng bỏ học vào tiết Nhạc. Là bởi vì chúng mình quá ghiền được diễn tuồng cải lương. Chúng mình mua các cuốn kịch bản quay roneo trên giấy đen sì mà người ta bán trên lề đường Lê Lợi để học thuộc những vỡ như “Tiếng trống Mê Linh”…Bàn giáo viên được biến thành “cánh gà” còn  khoảng trống giữa bục giảng và bàn học trở thành sân khấu. Để khỏi có chuyện đứa này phân bì đứa kia, chúng mình quyết định đứa nào cũng được đóng vai chính hết và luân phiên nhau cứ tuần này người này vai chính thì tuần sau phải thủ vai phụ. Mình sợ nhất mỗi khi tới phiên đóng Thi Sách. Vì mỗi lần mình chui từ bản giáo viên ra vả kêu lên mấy tiếng “Phu nhân!” đầy lâm ly bi đát , bọn bạn mình đều lăn ra sàn lông lốc.  Lần nào mình cũng phải đợi chúng nó bình tĩnh lại rồi mới có thể diễn cho xong đoạn Thi Sách hát câu giả từ hiền thê tại hỏa đài. Thích nhất là đoạn lấy giai điệu từ bài hát A Ly San – “Trong giây phút chia tay, tim nguyện ghi lời thề ….”. Vì khúc hát này quá hay và cảm động nên đứa nào cũng đầy cảm xúc.  Đây cũng là phân đoạn thành công nhất vì cả diễn viên lẫn khán giả đều không đứa nào cười sảng. 


Sài Gòn ngày xưa, gần như ai ai cũng mê cải lương. Coi “Song Lang”, mình chợt nhớ lại ngày xưa. Sài Gòn bây giờ có phải đã bớt đi những nét đặc thù Nam Bộ? . Mà không chỉ cải lương vọng cổ, các làn điệu truyền thống của từng vùng miền nước mình giờ đây ẩn trú nơi đâu mất rồi?

MỖI NGƯỜI CÓ MỘT TÒA SEN TRONG LÒNG


Sau bao năm tháng ngược xuôi với nhiều niềm vui, nỗi buồn, người quyết định không nhìn ra bên ngoài nữa mà quay vào nhìn xem chính mình.

Người thấy đó là một cô gái. Cô đang muốn làm điều gì đó vì trong đầu cô có một đám mây bồng bềnh nho nhỏ. Cũng như bao con người đi trong trần thế này, những ước mơ  được ướp trong những đám mây khi loảng khi đặc đuổi theo con người như hình với bóng. Có người phụ nữ tất tả đẩy xe trong siêu thị vào cuối ngày  với một đám mây nhỏ trên đầu trong đó lung linh hình ảnh căn nhà lộng lẫy với một ông chồng tử tế và một bầy con ngoan. Có người đàn ông chạy xe gắn máy trên đường, trên đầu gắn một đám mây về căn phòng làm việc tương lai một khi anh được lên chức sếp. Có một cụ già đã phải chống gậy lò dò  nhưng trên đầu vẫn có một đám mây mỏng mảnh nhưng dai dẳng bám dính chứa hình ảnh bầy con trở về cùng tiếng reo vui đầu ngõ….

Những đám mây chứa giấc mơ xa vời khiến con người ta khát khao và ngày ngày miệt mài lao động, nghĩ suy, tính toán để biến chúng thành sự thật. Những ước mơ thảng hoặc khiến người ta mĩm cười nhưng thường khi lại đốt cháy tâm tư. Đám mây càng lớn, lửa càng nung nấu tâm can. Có người chí cao bền hài lòng với ngọn lửa trong tim mình. Và cũng có người héo lần mòn với giấc mơ chưa bao giờ trở thành hiện thực, người suy sụp trước sức nặng của một ước mơ xa quá tầm tay.

Nên ngày kia, người quyết định trở về và thôi không để cho những ngọn lửa cháy tùy tiện trong tâm can của mình. Thói quen vốn không dễ bỏ nhưng người nghĩ rằng nên thay đổi thói quen. Người đã quá quen chú ý tới thế giới bên ngoài mà chưa một lần quay vào tìm hiểu chính mình. Ta là ai? Hình ảnh ta hiện như thế nào? – Bạn có bao giờ tự hỏi? Nhìn lại mình và người thấy trào dâng một niềm thương cảm.

Người bắt gặp cô gái với đám mây nhỏ trên đầu. Em  ngày ngày miệt mài động đậy tay chân, động đậy cái đầu, tính toán thời gian, đo lường vật thể. Trông em dễ thương nhưng có chút ngô nghê. Có đôi khi trông em thật khờ - người đành phải nói ra điều đó. Khi giấc mơ trở nên ngày càng xa, em buồn rầu, than thở. Khi những điều tưởng đã cầm nắm bỗng trôi hết qua kẻ tay, em suýt chút quên mất bản thân mình.

Giờ là lúc em có thể thôi loay hoay tìm kiếm. Chỉ cần đi ngược vào bên trong chính mình và nhẹ nhàng ngồi xuống. Em sẽ thấy đó là nơi êm đềm, dễ chịu nhất trên đời. Cơ thể vật lý là một nơi trú ẩn an toàn – em cần chăm sóc cho nó và nó sẽ phát huy tối đa tính an toàn. Bên trong mỗi con người đều có một đài sen. Nếu mình không còn thèm bận tâm phán xét một ai, chỉ lặng lẽ trở về quét dọn bên trong, mình sẽ nghe một hương sen thoang thoảng. Nơi tĩnh lặng nhất là một đài sen.

Nói ra điều này có khi nhiều người chưa hiểu, nhưng khi mình chăm quét dọn tỏa sen trong lòng, hương thơm của sen có khi lại  dậy lên và tỏa rộng làm thơm cả những nơi mà em bước ngang.

Chủ Nhật, 16 tháng 4, 2017

THÁNG TƯ


(Khó khăn là một Ngôi trường Danh giá nhất) 

Ngày thơ khép lại bàng hoàng
Con đường  ta bước gai tràn lối đi
Ta nhìn chỉ thấy phân ly
Ta đi qua nớ qua ni để rồi
50 nhớ lại bồi hồi
Dường như cuộc sống dập vùi để cho
Tình thương lớn dậy từ tro
Khó khăn là một Trường To ở đời

Tháng Tư bao cuộc đổi dời
Hoa hồng xin tặng cho Người biết thương. 

Thứ Hai, 3 tháng 4, 2017

MỘT NGÀY LÀM MC

Hôm nay, mình đi làm MC cho chương trình chúc Tết các Thầy Cô và hội ngộ các thế hệ cựu sinh ở ngôi trường thân yêu của mình.

Đã hơn 30 năm rồi mới quay lại trường xưa trong vai trò MC, mình cố trấn tĩnh sự hồi hộp trước giờ khai mạc. Nghĩ nhiệm vụ này cũng là tự mình gánh lấy với mong muốn góp được chút công sức với anh em cựu sinh, nhưng vẫn chút băn khoăn không biết con tàu đã được đặt trúng đường ray? Rằng những câu dẫn văn hoa mà mình soạn sẵn liệu có phù hợp vói bầu không khí bên dưới?

Ngồi bên "cánh gà" chờ giới thiệu từng tiết mục văn nghệ, mình thấy khói màu xông ra từ "cánh gà" phía kia. Người phụ trách áng sáng tắt bớt ánh đèn chói chang khi những bài hát đầu tiên được cất lên. Trong lời ru của điệu nhạc và áng sáng vừa phai, mình vui mừng nhận ra những lo âu lúc đầu đã nhanh chóng bị âm nhạc thổi bạt, trí não mình không còn căng thẳng bởi ánh sáng quá gắt. Cơ thể mình có lúc còn lắc lư nhè nhẹ theo nhiệt tình cũa các sư huynh chơi nhạc và sự biểu diễn tuyệt vời của các sư huynh tỷ đệ muội. Chúng mình đã kỳ công sắp xếp thòi gian để tập dượt dù mỗi người đều đeo nặng những lo toan tất bật đời thường, phải không?

Lằn đầu tiên ngồi ở "cánh gà" và nhìn sân khấu từ bên hông, mình phát hiện từ vị trí này, người ta khá cách xa cuộc đời bên dưới. Thế giới trước mắt là âm nhạc, MC giống như người chèo đò, đưa từng luot khách, lúc dừng chèo vảy tay với người đi rồi lại đón chào người đến. Làm MC thì chỉ thấy những gì diễn ra trên sân khấu, thấy các sư huynh trong ban nhạc của mình nhỏ đòng đòng mồ hôi nhưng vẫn cháy hết mình. Lại nghĩ bâng quơ các sư huynh 30 -40 năm rồi mới được lại về trường đang đàn hát cật lực mà trân quý những giọt mồ hôi ây.

Ngồi bên cánh gà, mình vui sướng khi được đứng lên chào thầy cựu hiệu phó kính yêu, linh hồn của ngôi trường đã trải qua nhiều cuộc thăng trầm bể dâu, khi Thầy có việc buoc ngang chỗ mình. Vì mình làm MC, không thể đi lại quanh các bàn bên dưới để chào Thầy Cô, mình thật sự hạnh phúc khi được đứng lên khoanh tay chào Thầy và được Thầy chạm nhe vào vai mình một cách trìu mến.

Ngồi bên cánh gà và khi bước lên sân khấu, mình tiếp xúc với nhiều sư huynh tham gia ca hát, cảm nhận được phong thái bặc thiệp, lịch lãm của những người con đã từng một thòi được đào tạo ở ngôi trường Petrus Ký nổi danh. Mình hãnh diện có những bậc đàn anh như thế.

Nhưng cũng trên sân khấu và bên "cánh gà", có lúc mình bị giật micro và bị nói lời thô bạo từ một ai đó say xỉn. Lại có khi bị trách dữ dội vì những điều chẳng phải do mình thực hiện. Hoặc bị đẩy cho phần việc của người khác vì ai đó nhận trách nhiệm nhưng lúc đến phiên họ lại mải mê đi tìm các mối quan hệ ỏ các bàn tiệc bên dưới.

Rồi lại nghĩ, thế gian phải có người này người khác mà thôi chẳng lăn tăn nữa. Chỗ ngồi của MC tạo điều kiện cho mình được nhìn ngắm và cảm nhận. Trên bức tranh cuộc sống, mình nhìn thấy rõ ràng những nét đậm, nét nhạt. Thấy đường hồng, đường xám. Thấy những đường laser lia nét cắt từng người.

Xin cám ơn tất cả những bậc đàn anh hay những bạn đã vẽ lên ngày này của mình những đường cong êm dịu để khi ngồi lại lắng lòng, mình vẫn có thể cười một mình mà gật gù rằng :" Thì cũng vậy thôi, dù có là 30 hay 40 năm đi nữa. Người ta van nói "Nhất quỷ, nhì ma đó mà!"

Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2015

BỎ CUỘC

Hay thật!

Bao nhiêu năm vừa rồi, tôi cứ tưởng blogspot bị cấm trên toàn cõi VN vì mỗi lần đăng nhập vào bất cứ blogspot nào, tôi cũng đều bị chuyển hướng.

Mãi tới gần đây, nhân một vụ kia, tôi mói hiểu ra đường truyền nhà tôi bị chặn là do thằng VNPT.

Có bạn nào bị giống tôi? Nay tôi thử 3G và nó thật hoàn hảo!

Nhiều khi sự cố chẳng khó để khắc phục. Chỉ tại người ta nghĩ là nó khó nên tự mình bỏ cuộc.

Thứ Năm, 19 tháng 12, 2013

DANH MỤC ĐỎ



Hàng xóm sửa nhà. Thợ làm ngả thang đánh vỡ một siêu đất cũ tôi để ngoài hành lang chung. Lẽ ra bình siêu sứt sẹo này “đi về nơi xa” từ lâu  nhưng vì“nguời dưng” của tôi lấy làm nơi gạc tàn, vứt đóm nên tôi  cứ để nó yên đó.

Hàng xóm qua xin lỗi rối rít và đòi mua gạc tàn mới để đền. Tôi nói “Không sao đâu chị! Vì thấy nó ở đó nên anh xã lấy làm nơi gạc tàn. Không có nó thì ảnh sẽ gạc tàn chỗ khác, chị ạ! ”.

Đã đuợc dặn dò vậy mà hàng xóm vẫn mang qua một gạc tàn sứ mới rất dễ thuơng kèm theo một bịch bánh làm quà. Tối về, tôi kể “người dưng” nghe. Anh thốt : “Thật không hiểu nổi! Trên đời này đang tồn tại hai hạng nguời quá trái ngược nhau : hoặc không biết điều chút nào hoặc quá biết điều!”.

Tôi cũng nghĩ như anh. Tôi còn nghĩ trong bụng, “khuyến mãi” thêm một câu nhưng tôi không nói ra : “Nhưng anh cũng  phải đồng ý với em là nhờ hạng nguời thứ hai mà đời này còn có chút dễ thương”.

Cám ơn sự dễ thương của  chị hàng xóm – ngừoi  đuợc tôi ngầm đưa vào “danh mục đỏ” cần phải bảo tồn khẩn cấp. 

Thứ Tư, 1 tháng 5, 2013

NGỒI NHẤP CHÉN



Tôi tin trong những người Sài Gòn đã sống qua ngày 30-4 có rất rất nhiều người còn lưu giữ trong ký ức một vài hình ảnh của những ngày cách nay 38 năm.

Đêm 29, cả nhà tôi leo lên sân thượng một khu chung cư trong quận 5, nhìn về hướng quận 1. Ở nơi đó, trên bầu trời đêm nổi bật nhiều ánh lửa sáng lóe. Mẹ tôi lẩm bẩm :”Đánh nhau !”, nét mặt đầy lo lắng. Những ngày trước đó, chúng tôi đã đóng sẵn ba lô quần áo. Cả chiếc cặp đi học bằng da khá lớn của anh  em tôi cũng được trưng dụng làm túi đựng đồ “chạy loạn”. Chúng tôi mặc đồ tây đi ngủ “để có gì là chạy”.

May là nơi chúng tôi ở đã “không có gì”.

Trưa ngày 30-4, khoảng 11g 20, tôi chụp cái thau nhỏ để đi mua đá lạnh. Khu nhà tôi ở khi xưa rất nóng nên vào giờ cơm, chúng tôi có thói quen đi mua đá về để “ăn cơm cho ngon hơn”. Tôi luôn lãnh nhiệm vụ đó. Trưa đó, tôi nói với mẹ “Con đi mua nước đá đây !”. Hình như tôi thoáng thấy vẻ mặt ngần ngừ của mẹ, nhưng người còn chưa kịp nói gì, tôi đã chạy ào xuống đường.

Trước hẻm nhà tôi, người ta đã đóng hai cánh cổng lớn lại. Ngày xưa, đó là dấu hiệu của “an ninh cần siết chặt”. Theo trí nhớ nhỏ nhoi của tôi, mỗi đêm cứ đến giờ thiết quân luật, người ta lại đóng cổng hẻm. Vào ngày 30-4-1975, cánh cổng hẻm tôi đã được đóng suốt từ buổi sáng. Muốn mua đá lạnh, tôi phải ra khỏi hẻm, quẹo trái, bỏ căn đầu bán hủ tíu mì để tới căn thứ hai là “pô đá”. Cổng đóng nhưng tôi cứ săm săm đi tới và lách người nhẹ nhàng qua khe hở hai bên cổng. Tôi thầm nghĩ :”Phân công cho mình mua đá là quá hợp lý ! Gặp người nào to lớn hơn, ắt là phải xách thau không đi về rồi ! ”.

Tôi hơi ngạc nhiên vì pô đá vẫn hoạt động. Và trong lúc chú chủ pô đang chặt đá cho tôi, tôi nghe qua loa phóng thanh đầu hẻm lời kêu gọi bỏ súng đầu hàng của tướng Nguyễn Hữu Hạnh.  Tôi ghi nhận thời gian xảy ra sự kiện ấy là 11g30. Tôi nhận lại thau đá và thấy chú chủ đã bán nhiều hơn bình thường. Theo đường cũ, tôi mang đá lạnh về cho gia đình.

Chiều đó, khoảng 16 giờ, gia đình tôi cùng gia đình người hàng xóm là cố nghệ sĩ Nguyên Hạnh tràn ra đứng ở ban công nhìn về phía đường cái. Chúng tôi thấy chóp những chiếc xe tăng đang ùn ùn lăn bánh ngang qua. Người lớn nhìn với ngổn ngang ý nghĩ của người lớn. Con nít nhìn với chút hoang mang  khi lần đầu  trông thấy những hiện tượng lạ. Sau này, khi tôi  kể mình đã nhìn thấy xe tăng ngày hôm ấy, một số người bạn Pháp nhìn tôi … “đầy hâm mộ” như thể tôi là một chứng nhân lịch sử vĩ đại nào vậy ! 

Tôi có thể ghi  một câu kết. Nhưng cuộc đời của mỗi người là những câu chuyện khác nhau. Có những câu chuyện nằm ngoài tầm kiểm soát, chỉ có thể trôi lăn tăn trên những dòng ba chấm (…) mà thôi.