Trang

Thứ Ba, 15 tháng 1, 2019

COI “SONG LANG” NHỚ SÀI GÒN CỒN CÀO

(bài này viết đã lâu nhưng nay mới publish)

Câu chuyện trong « Song Lang » có thể tóm tắt như sau : « Dũng Thiên Lôi » (Liên Bỉnh Phát) là một chàng trai  có cha là nhạc công gánh hát và mẹ là đào hát. Dũng mê tất cả những gì thuộc về sân khấu cải lương nhưng phận mồ côi sớm đã đẩy cậu vào nghề đòi nợ cho một bà trùm chuyên cho vay nặng lãi (Minh Phượng đóng). Giỏi võ, điển trai, lạnh lùng, tàn nhẫn – Dũng như một cỗ máy chết chóc làm khiếp vía tất cả những kẻ trót phải vay nặng lãi mà đa số họ đều là người lao động nghèo. Ngày kia, duyên nợ đưa đẩy Dũng quen với Linh Phụng (Isaac đóng) – kép chính trong một đoàn hát mà Dũng tới đòi nợ. Số phận run rủi khiến hai chàng trai đã có một đêm thức trắng cùng nhau. Trong đêm đó, Linh Phụng đánh thức  nơi Dũng niềm mong muốn được trở lại làm  người lương thiện để thực hiện ước mơ nhạc công đàn kìm như cha mình đã từng. Dũng bỏ tiền riêng thanh toán nợ cho một gia đình có một người mẹ/người vợ vừa tự vẫn vì bị nợ quẩn bách và tuyên bố rời khỏi chốn giang hồ. Đêm anh vác cây đàn kìm đứng  trước nhà hát háo hức chờ tới giờ vào gặp trưởng đoàn để xin việc, người chồng/người cha trong gia đình nọ - do chưa biết hành động hối lỗi của Dũng - đã sát thương anh từ phía sau bằng một mũi dao. 

Thật khó có thể diễn tả được hết những xúc cảm của mình khi xem phim. Đạo diễn và người viết kịch bản (Leon Lê và chị Nguyễn Thị Minh Ngọc) gần như toàn hảo khi để ý đến từng chi tiết nhỏ tái hiện Sài Gòn của thập niên 1980. Từ chùm loa phường, những bài hát thịnh hành lúc đó (mình nhận ra  bài « Biển hát chiều nay » mà một nhỏ bạn cấp ba của mình hay hát ), trang phục, tóc tai, lối dán hình trên tường ... Những thước phim đưa mình trở ngược về ngày tháng cũ tự lúc nào không hay. Khi sân khấu trong phim đang diễn vở Mỵ Châu- Trọng Thủy , mình đồ rằng có nhiều khán giả đều  tưởng như chính mình đang ngồi trong rạp nhìn lên sân khấu. Isaac – ca sĩ/ diễn viên trẻ lấy nghệ danh « Tây » có ai ngờ ca vọng cổ và diễn tuồng quá tuyệt. Cải lương trở nên hay không ngờ trong phim « Song Lang ». Coi phim mà hơi ngẩn ngơ : “Vì sao một nền nghệ thuật xuất sắc tới vậy của cha ông lại sống khó khăn  trong thời đại bây giò?”. Vậy mà sao khi được tái dựng trong nghệ thuật thứ bảy, ta lại thấy quá hay?

Mình nhớ lại tuổi thơ. Vào thời mà Sài Gòn bị nhiều người chê là “lính Mỹ và lối sống lai căng ngập tràn”, mỗi tối cuối tuần, mình đều ngồi bên cạnh mẹ  để coi kịch hoặc cải lương trên tivi. Cả nhà ngồi bẹp trên sàn và vì người gia đình đôi khi khá đông, mình còn ngồi hẳn vào lòng của mẹ , mê mẩn củng tuồng tích suốt mấy tiếng đồng hồ mà không mỏi. 

Sau năm 1975, trong khu vực quận 5 có rạp Hào Huê có lúc là nơi dừng chân thường xuyên của đoàn Minh Tơ – một gia tộc lừng danh với sáu đời theo nghiệp hát (Thanh Tòng, Bạch Lê, Bạch Lựu, Quế Trân ….) và kịch nói (Thành Lộc, Bạch Long ….). Năm đó, đoàn Minh Tơ cứ thay phiên với đoàn Huỳnh Long … về đóng đô tại rạp Hào Huê. “Thực đơn” bấy giờ của đoàn Minh Tơ là bảy vở tuồng cải lương Hồ Quảng dựng các tuồng tích Tàu như “Bao Công xử án Quách Hòe”, “Triệu Tử Long đoạt ấu chúa”, “Thần nữ dâng ngũ linh kỳ”... Mỗi ngày đoàn diễn một vở, hết một tuần thì hết trọn bảy vở và đoàn rời đi. Tối nào, mẹ  cũng dắt mình đi coi hát và coi trọn một tuần.  Một thời gian sau, đoàn Minh Tơ quay lại rạp Hào Huê và cũng diễn đúng chừng đó vở. Mẹ của mình lại dắt mình đi coi lần hai, rồi lần ba… Coi mỗi vở làm nhiều lần, mình vẫn không thấy chán. Tâm trạng lúc nào cũng phấn khích chờ đợi được nhìn thấy   Phàn Lê Huê – Bạch Lê xuất hiện oai phong lẫm liệt với tua tua cờ phướng giắt sau lưng, với từng điệu bộ và câu thoại làm chấn động một tâm hồn thơ trẻ ….

Không chỉ mê mẩn cải lương hồ quảng của đoàn Minh Tơ, mình còn theo chân mẹ xem nhiều lần nhiều vở của những đoàn khác như “Bên cầu dệt lụa”, “Ngao sò ốc hến”, “Tiếng trống Mê Linh”, “Thái hậu Dương Vân Nga”…. Không chỉ có gia đình mình, các bạn cùng lớp đều cùng có gu xem cải lương. Khi cô Thanh Nga bị mưu sát, mình cùng các bạn lớp Bảy đã đi bộ từ khu vực Chợ Quán  quận 5 đến đường Tú Xương quận 3 để hòa cùng dòng nguoi xếp hàng viếng cô lần cuối với tâm trạng như có gì mất mát. 

Cũng năm lớp Bảy, thầy giáo Nhạc cho phép “những học sinh tự thấy mình không cần học cũng hiểu bài có thể vắng mặt, miễn dự kiểm tra đầy đủ”. Vậy là một nhóm chúng mình tranh thủ sự dễ dãi của Thầy để liều mạng bỏ học vào tiết Nhạc. Là bởi vì chúng mình quá ghiền được diễn tuồng cải lương. Chúng mình mua các cuốn kịch bản quay roneo trên giấy đen sì mà người ta bán trên lề đường Lê Lợi để học thuộc những vỡ như “Tiếng trống Mê Linh”…Bàn giáo viên được biến thành “cánh gà” còn  khoảng trống giữa bục giảng và bàn học trở thành sân khấu. Để khỏi có chuyện đứa này phân bì đứa kia, chúng mình quyết định đứa nào cũng được đóng vai chính hết và luân phiên nhau cứ tuần này người này vai chính thì tuần sau phải thủ vai phụ. Mình sợ nhất mỗi khi tới phiên đóng Thi Sách. Vì mỗi lần mình chui từ bản giáo viên ra vả kêu lên mấy tiếng “Phu nhân!” đầy lâm ly bi đát , bọn bạn mình đều lăn ra sàn lông lốc.  Lần nào mình cũng phải đợi chúng nó bình tĩnh lại rồi mới có thể diễn cho xong đoạn Thi Sách hát câu giả từ hiền thê tại hỏa đài. Thích nhất là đoạn lấy giai điệu từ bài hát A Ly San – “Trong giây phút chia tay, tim nguyện ghi lời thề ….”. Vì khúc hát này quá hay và cảm động nên đứa nào cũng đầy cảm xúc.  Đây cũng là phân đoạn thành công nhất vì cả diễn viên lẫn khán giả đều không đứa nào cười sảng. 


Sài Gòn ngày xưa, gần như ai ai cũng mê cải lương. Coi “Song Lang”, mình chợt nhớ lại ngày xưa. Sài Gòn bây giờ có phải đã bớt đi những nét đặc thù Nam Bộ? . Mà không chỉ cải lương vọng cổ, các làn điệu truyền thống của từng vùng miền nước mình giờ đây ẩn trú nơi đâu mất rồi?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét