Trang

Thứ Năm, 13 tháng 5, 2010

Sống trong thế giới không rác



Thu nhặt lon ở Kamikatsu - Ảnh: Gaia
TT - Trong vùng đồi gập ghềnh ở miền tây nước Nhật có một thị trấn nhỏ mang tên Kamikatsu. Nằm ở thượng nguồn sông Katsuura với 2.000 dân và 85% diện tích được rừng bao phủ, Kamikatsu đang được nhiều thành phố lớn, nhỏ khác của Nhật và cả những cộng đồng cư dân nước khác học tập theo vì không bao giờ xả rác.


Không có công nhân vệ sinh

Thị trưởng Kamikatsu khẳng định với các nhà báo thị trấn không cần công nhân vệ sinh: "Người dân tự chịu trách nhiệm về mọi thứ họ thải ra. Họ tự chuyển thức ăn thừa và những thứ bị loại ra ở khâu bếp núc thành phân bón và phân các loại rác còn lại theo 34 hạng mục: vỏ chai nhựa thường, vỏ chai nhựa PET, vỏ bút, dao cạo râu...
Với 34 loại rác này, họ rửa sạch sẽ, phơi khô rồi mang đến các cửa hiệu nhận tái chế trên phố". Theo ông Kasamatsu Kashuichi, từ khi áp dụng kế hoạch này vào năm 2003, lượng rác của mỗi nhà tự động giảm hẳn, thức ăn thừa cũng vậy. Khi thực phẩm không bị lãng phí, giá của nó giảm theo.
Nhiều người dân tỏ ra rất hứng khởi với sáng kiến của chính quyền. Như bà Kikue Nii chẳng hạn. Bà nội trợ này gỡ bỏ giấy nhãn trên chai nhựa, mang chai đi rửa, lau khô rồi mang đến một cửa hiệu. Với mỗi túi chai, bà đổi được một tấm vé số. Có hôm bà trúng được một phiếu mua hàng trị giá tương đương 10 USD, không nhiều "nhưng còn hơn không có gì”.
Kikue Nii cũng là người thích tái chế thực phẩm thừa: "Tôi nghĩ mình ít thải rác vì chính mình phải tự tay tái chế chúng. Nếu thức ăn gồm rau củ hay thịt thà còn dư, tôi nấu lại thành một nồi xúp, nêm chút rượu vang vào. Vậy là tôi được một nồi xúp tuyệt vời!". Đôi vợ chồng nhà bên của Nii, anh Fumikazu Katayama và chị Hatssue cũng là những người siêng năng tái chế. "Tái chế đã trở thành công việc thường ngày của tôi. Mất một chút thời gian nhưng thật tốt nếu ta trả mọi vật về với Trái đất" - Katayama nói. 

Nói không với rác

Trước đây, Kamikatsu cũng như nhiều thành phố khác thường xuyên đau đầu vì vấn nạn xử lý rác. Nhận thấy chi phí dành cho vận chuyển rác đến bãi chứa và hỏa thiêu quá tốn kém, năm 2003, dưới sự lãnh đạo của một chính quyền thân thiện môi trường, các cư dân Kamikatsu đã thông qua "Tuyên bố không có rác".
Với các sáng kiến đang được thực thi, Kamikatsu nhắm tới trở thành chính quyền địa phương đầu tiên ở Nhật đóng cửa hoàn toàn bãi rác vào trước năm 2020. Với sự ủng hộ của các quĩ bảo vệ môi trường và Chính phủ Nhật, thị trấn này còn đầu tư nghiên cứu các dạng năng lượng mới, lập quĩ không rác để thưởng sáng kiến cho các hộ dân và còn lập ra một tổ chức phi chính phủ mang tên Học viện Không có rác của Nhật.
Noi gương Kamikatsu, nhiều thành phố trên thế giới đã thông qua tuyên bố "không có rác". Canberra của Úc và Toronto của Canada đặt mục tiêu "không thải rác" vào trước năm 2010. San Francisco ở Mỹ và hơn một nửa địa phương ở New Zealand cam kết sẽ trở thành thành phố không xả rác vào năm 2020.

THỦY TÙNG
(Theo BBC, Kansai.gr.jp-lục lại một bài cũ rích trên Tuổi Trẻ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét